Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

www.TINTUC CAONIEN.COM

BẢN TIN HÀNG TUẦN
Số  07/2011      Ngày 12/ 02 / 2011
                    *****
NỘI DUNG 
•    Tin tức lượm lặt
•    Câu chuyện cảm động
•    Chung một mối tình
•    Nạn mập phì thế giới tăng gấp đôi trong 30 năm qua
•    Phát hiện gien khiến khối u di căn trong cơ thể
•    Kháng sinh nhỏ mắt và những rủi ro
•    8 xét nghiệm nên làm để phòng bệnh nan y
•    Đột phá trong việc chế tạo vắc-xin chống cúm
•    5 bệnh người cao niên dễ mắc phải lúc giao mùa
•    Điều nên biết về sinh tố
•    Plastic “thông minh” đổi mầu khi sản phẩm đóng gói bị hư
•    Nông nghiệp thế giới cần nuôi 9 tỉ người năm 2050
•    Châu Á phải tìm cách đối  phó ngay với nạn di dân do khí hậu biến đồi
•    Những thay đổi đơn giản về nếp sống có thể ngăn chặn cả triệu ca ung thư



clip_image001[5]
                      www.tintuccaonien.com
TINTỨC LƯỢM LẶT
clip_image002

http://www.cnn.com/2011/WORLD/asiapcf/02/08/cambodia.thailand.violence/index.html?eref=mrss_igoogle_world
Đền Preah Vihear nẳm trên đất Cambodia nhưng hầu hết các lối vào đều từ phiá đất Thái. Cuộc tranh chấp quyển sồ hữu đền này đã xẩy ra nhiều lần, tuy năm 1962 Toà Án Quốc tế La Haye đả phán quyết đền này thuộc Cambodia. Ngày 4 tháng 2 vửa qua một cuộc đụng độ quân sư khá nghiêm trọng đã xẩy ra quanh đền này làm 5 ngườii chết v à 20 ngưởi bị thượng. Chủ tịch Tồ chưc ASEAN đang cố gắng hóa giải vụ tranh chấp này
clip_image004

Qua tuẩn lễ thứ ba quảng trưởng Tahrir (Ai cp) đã trở thành trung tâm điểm của làn sóng biểu tình. Phó Tổng thống Ai Cập, ông Omar Suleiman, người nhân danh Tổng thống Hosni Mubarak đàm phán với phe đối lập, vừa nói chính phủ có một kế hoạch chuyển giao quyền lực. Trong khi đ ó phe đối lập vẫn đòi ông Mubarak phải ra đi ngay lập tức.
Theo tin giờ chót,quân đội Ai cập đã can thiệp và TT Mubarak đã chịu từ chức và chuyển quyền cho quân đội vào ngày thứ sáu 11/2 chấm dứt 29 năm nắm quyền “sinh sát”trong tay
clip_image006

Chỉ một tuần sau trận bão lớn mùa đông thứ nhất, một trận bão thứ nhì đã quét qua nhiều khu vực trung phần nước Mỹ thứ tư 9/2, làm tuyết đổ xuống hơn 1 feet nhiều vùng. Trận bão đi sang hướng đông và dịch chuyển xuống phía nam. Tuyết đã rơi đến 16 inches ở vùng đông bắc Oklahoma và 14 inches trên thành phố Eucha gần đó. Arkansas cũng đầy tuyết. Tại nhiều nơi ở Kansas và Texas, tuyết cũng rơi dầy đặc

Câu Chuyện Cảm Động của một Đại Tá Phi Công Hoa Kỳ Từng bị Tù Cộng Sản
S. Reeder ( bài do bạn QuyVu giới thiệu)
clip_image007Lời nói đầu của dịch giả Nguyễn hữu Thiện: Sau cuộc chiến Việt Nam, đã có nhiều huyền thoại đầy anh hùng tính viết về các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Và trong rất nhiều trường hợp, chỉ tới khi ấy, chúng ta mới giật mình nhận ra những người “anh hùng” được nhắc tới lại chính là những cấp chỉ huy, những đồng đội, những thuộc cấp rất bình thường của mình.
Một trong những con người rất bình thường ấy vừa được vinh danh là cựu Trung-úy hoa tiêu khu trục Nguyễn Văn Xanh, Phi Đoàn 530 Thái Dương, Không Đoàn 72 Chiến Thuật (Pleiku).
Thời gian ấy – Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, với tư cách Sĩ quan Thông Tin Báo Chí đơn vị, có nhiệm vụ báo cáo hàng tuần về tổng số phi vụ và kết quả hoạt động của đơn vị cho Phòng Thông Tin Báo Chí – BTL/KQ , có lẽ chúng tôi đã chỉ ghi ngắn gọn trong phần tổn thất của quân bạn: “Phi Đoàn 530: một A-1 Skyraider bị phòng không địch bắn hạ ngày 9/5/1972 tại Kontum; phi công nhảy dù và được ghi nhận mất tích”. Chấm hết!
Nhưng với một phi công Đồng Minh xa lạ, tới đây câu chuyện của ông mới bắt đầu. Xin mời độc giả theo dõi câu chuyện cảm động ấy qua hồi ký của Đại-tá Lục Quân (hồi hưu) William S. Reeder, nguyên phi công trực thăng tấn công AH-1G Cobra, phục vụ tại Căn cứ Halloway, gần phi trường Cù Hanh, Pleiku, mới được phổ biến trên Internet. Cũng cần viết thêm, sau khi giải ngũ, ông Reeder đã trở lại trường đại
học, và đạt tới học vị Tiến sĩ

Tôi còn nhớ đợt phục vụ luân phiên (tour of duty) thứ nhì của tôi khởi đầu vào ngày 7 tháng 12 năm 1971. Lúc ấy, chương trình rút quân Mỹ theo kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống Nixon đang được tiến hành một cách suông sẻ. Gánh nặng trong cuộc chiến đã được chuyển giao gần hết cho Quân Lực VNCH, và quân Mỹ đã được đưa về nước với một nhịp độ chóng mặt. Giờ này nhìn lại, phải công nhận chương trình Việt Nam hóa ngày ấy đã đạt kết quả tốt đẹp. Hoạt động của địch quân ở miền Nam đã giảm hẳn, và hình thức chiến tranh du kích của quân phiến cộng đã không còn hiện hữu. Thế nhưng, sự yên tĩnh ấy đã không kéo dài..
Mùa xuân 1972, quân Cộng Sản Bắc Việt bất thần mở những cuộc tấn công vũ bão chưa từng thấy trong cuộc chiến – đợt tấn công mà người Mỹ quen gọi là “Cuộc tổng công kích mùa Phục Sinh 1972″ (1972 Easter Offensive). Đây không phải là một cuộc tổng nổi dậy của Việt Cộng trong Nam như hồi Tết Mậu Thân 1968, mà là một chiến dịch quy mô với hàng loạt cuộc tấn công quy mô của quân CSBV băng qua vùng phi quân sự, và từ những căn cứ đóng quân trên lãnh thổ Lào và Căm-bốt, với mưu đồ cắt đôi lãnh thổ VNCH tại vùng Cao Nguyên, và tiến đánh Sài Gòn, thủ đô miền Nam. Kết quả, quân CSBV đã thất bại trước sức chiến đấu mãnh liệt của lục quân và không quân miền Nam, với sự trợ lực tận tình của những đơn vị Hoa Kỳ còn đồn trú tại đây.
[1972 Easter Offensive được phía Việt Nam gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa 1972; và từ đoạn này, người dịch sẽ sử dụng "Mùa Hè Đỏ Lửa" thay cho "Easter Offensive"]
Cuộc tổng tấn công bắt đầu vào tháng Tư năm 1972 với các cuộc tấn công của quân chính quy Bắc Việt từ Căm-bốt tiến về hướng Sài gòn, và băng ngang vùng phi quân sự tiến chiếm cố đô Huế. Sau cùng là mặt trận mang tính cách quyết định của chiến dịch: quân CSBV từ miền Bắc Căm-bốt và Nam Lào vượt biên giới tiến đánh vùng Tây Nguyên, với mục đích giành quyền kiểm soát dải đất Trung phần, và tiêu diệt lực lượng VNCH tại đây – giống như Việt Minh đã thực hiện, và đã thành công trong chiến tranh với Pháp vào năm 1954. Lần này, quân cộng sản đã thành công trong bước đầu, tuy nhiên sau đó họ đã không chiếm được một mục tiêu quan trọng nào. Ở phía bắc, họ chỉ tiến chiếm tới Quảng Trị, và sau đó đã bị lực lượng Nhảy Dù của VNCH đánh bại. Tại Tây Nguyên, họ chỉ chiếm được một số tiền đồn chung quanh Kontum, nhưng sau đó cũng bị đẩy lui.
Câu chuyện tôi kể lại sau đây chính là bối cảnh của một bi kịch đời người diễn ra vào lúc ấy, với vai chính là tôi, và một phi công VNCH tên là Xanh Văn Nguyễn – hay gọi theo cách gọi của người Việt, họ luôn đứng trước tên gọi, thì là Nguyễn Văn Xanh. Vào thời gian Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khởi sự, tôi đang bay trực thăng tấn công AH-1G Cobra tại Căn cứ Halloway của Lục Quân Hoa Kỳ, ở gần tỉnh lỵ Pleiku. Trung-úy Nguyễn Văn Xanh thì bay khu trục cơ A-1 Skyraider ở Căn cứ Không Quân Pleiku. Chúng tôi không hề quen biết nhau, cũng chưa từng gặp gỡ bao giờ.
Hôm đó là ngày thứ hai 09 tháng 5, 1972, vào lúc hừng đông, tôi chỉ huy một phi vụ gồm 2 chiếc trực thăng Cobra yểm trợ một căn cứ bộ binh đang bị địch công hãm ở Polei Klang, ở cực tây tỉnh Kontum, gần biên giới Căm-bốt. Một lực lượng quân CSBV với sự yểm trợ của chiến xa đang tấn công căn cứ và tình hình thật bi đát. Sau nhiều vòng tấn công và sử dụng toàn bộ rocket, đạn M-79 và đạn đại liên, chúng tôi bay về phi trường Kontum để tái trang bị và lấy thêm nhiên liệu. Nhân viên phi hành bay chung với tôi, tức phi công phụ kiêm xạ thủ ngồi ghế trước của chiếc Cobra, là Thiếu-úy Tim Conry, quê ở Phoenix, tiểu bang Arizona. Tim là sĩ quan trẻ xuất sắc nhất mà tôi được biết, vì thế ngay sau khi anh tới đơn vị, tôi đã chọn anh vào phi đội do tôi chỉ huy, và luôn luôn để anh bay chung v ới tôi. Anh không chỉ là một nhân viên phi hành xuất chúng mà còn là một con người toàn hảo. Nhưng vào chiều ngày hôm ấy, anh đã trở thành người hùng thiên cổ!
Trở lại với phi vụ của chúng tôi, trên đường quay trở lại Polei Klang, chúng tôi được lệnh thay đổi mục tiêu tấn công: đó là tới yểm trợ cho một tiền đồn ở vùng Tam Biên – tức giao điểm của ba biên giới Việt Nam, Căm-bốt và Lào. Địa danh này có tên là Ben Het. Lực lượng trấn giữ là một tiểu đoàn Biệt Động Quân, với quân số khoảng 300 người, và hai cố vấn Mỹ. Lực lượng bé nhỏ ấy đang phải chống trả sức tấn công của hàng ngàn bộ đội thuộc hai sư đoàn CSBV có chiến xa tăng cường. Khi chúng tôi tới nơi, các chiến xa đã vượt qua hàng rào phong thủ, và bộ đội Bắc Việt đã chiếm gần hết căn cứ.
Trước đó, trên đường tới Ben Het, khi bay ngang qua Polei Klang, tôi nhìn xuống quan sát. Chiến sự đang sôi động, và tôi có thể thấy những chiếc khu trục A-1 Skyraider đang nhào xuống thả bom. Bỗng một chiếc A-1 bị trúng đạn phòng không, bốc cháy, đâm xuống đất nổ tung. Nhưng viên phi công đã kịp thời phóng ghế thoát hiểm vì tôi thấy cái dù của anh đang lơ lửng. Tôi liền gọi máy về xin được ở lại Polei Klang để yểm trợ cho cuộc cấp cứu. Lời thỉnh cầu của tôi bị từ chối. Tôi xin thêm một lần nữa, cũng bị từ chối. Và tới lần thứ ba thì bị từ chối một cách dứt khoát, cộc lốc. Lúc đó, chưa được biết tình hình ở Ben Het nguy kịch tới mức nào, cho nên tôi đã vô cùng phẫn nộ vì đã không được phép cứu giúp một phi công lâm nạn đang cần tới sự yểm trợ của mình.
Tôi bay vào Ben Het mà tưởng như đang bay vào một tổ ong bị động. Lúc đó, 5 chiến xa địch đã vượt qua hàng rào kẽm gai, và bộ đội Bắc Việt thì tràn ngập khắp nơi. Các quân nhân đồn trú còn sống sót đã rút vào hầm chỉ huy ở trung tâm để cố thủ. Chúng tôi tác xạ một hồi rồi yểm trợ cho một chiếc trực thăng đặc biệt được trang bị một loại hỏa tiễn chống chiến xa mới nhất. Sau khi sử dụng hết đạn dược, chúng tôi lại bay về Kontum để tái trang bị và lấy thêm nhiên liệu. Rồi quay trở lại Ben Het để thi hành phi vụ chiến đấu thứ ba trong ngày.
Sau khi cất cánh khỏi phi trường Kontum, chúng tôi được lệnh hộ tống một trực thăng có nhiệm vụ tiếp tế đạn dược cho Ben Het. Lúc đó, đạn của lực lượng cố thủ đã gần cạn, riêng hỏa tiễn chống chiến xa thì đã hết sạch.
Sau khi gặp nhau, chúng tôi hộ tống chiếc Huey (tức trực thăng UH-1) tới Ben Het, tất cả đều bay sát ngọn cây. Vừa bay tới Ben Het thì súng nổ như pháo Tết, súng của ta lẫn súng của định. Ở ghế trước trên chiếc Cobra của tôi, Thiếu-úy Tim Conry rải từng tràng mini-gun và những trái M-79 xuống thật chính xác. Tôi thì bắn từng cặp rocket. Chúng tôi càng tiến sâu thì hỏa lực phòng không của địch càng dày đặc. Nhưng rồi chiếc Huey cũng vào được tới nơi và hoàn tất nhiệm vụ cực kỳ khó khăn ấy, phần lớn là nhờ hỏa lực yểm trợ thật chính xác của Tim: sau khi lơ lửng tại chỗ ở cao độ gần sát mặt đất, và đạp các thùng đạn xuống, chiếc Huey bay ra dưới sự yểm trợ hỏa lực của chúng tôi. Cùng lúc, chiếc Cobra của tôi bị trúng vô số đạn đủ loại của địch, bốc cháy và đâm xuống theo đường xoáy trôn ốc.. Chỉ trong giây lát, chiếc trực thăng chạm đất, và phát nổ ngay sau khi tôi và Tim – dù bị thương nặng – tìm cách thoát ra khỏi phi cơ.
Tim chết vào chiều tối hôm đó. Riêng tôi thì bị gẫy xương lưng, phỏng ở mặt và phía sau cần cổ, một miểng đạn nằm sâu ở mắt cá, và vô số vết thương nhỏ ở mặt và đầu. Nhưng mặc dù phi cơ rớt ngay trong khu vực có hàng trăm địch quân đang tấn công căn cứ, tôi cũng lẩn tránh được ba ngày trước khi bị bắt.
* * *
Tôi bị tra khảo trong mấy ngày liền; và bị đối xử khá tàn bạo. Khi ấy tôi ở trong một tình trạng cực kỳ thê thảm về thể xác. Lưng tôi bị gẫy. Máu từ vết thương ở mắt cá chảy ra đầy chiếc giày bốt, giờ này đã khô lại thành một khối cứng ngắt. Đã ba ngày tôi không cạo râu. Tôi không còn khả năng điều khiển ruột già và bàng quang, cho nên tôi đã đại tiện, tiểu tiện ra đầy quần.. Tôi bị vô số vắt bám vào người để hút máu, và chúng đã bị tôi bứt ra hết, trừ một con đang chui vào lỗ mũi phía bên trái mà tôi không hề hay biết. Khi bắt được tôi và thấy cảnh này, đám bộ đội đã được một trận cười khoái trá.
Tôi bị tra khảo, đánh đập, hăm dọa. Hai tay tôi bị trói ngược ra phía sau bằng dây nhợ, và càng ngày càng bị xiết chặt theo thời gian bị tra khảo, cho tới khi hai vai tôi bị trật khớp, và hai cùi chỏ bị trói cứng với nhau, cấn vào chỗ xương lưng bị gẫy khiến tôi đau đớn khôn tả. Cuối cùng thì cuộc tra khảo cũng chấm dứt, và tôi được lệnh đi bộ trong ba ngày liên tiếp, để tới một trại giam trong rừng già – mà theo sự ước đoán của tôi, nằm ở phía bắc lãnh thổ Căm-bốt, ngay bên kia biên giới. Tôi đã được bọn họ trả lại trả lại đôi giày bốt, nhưng đã lấy mất hai sợi dây giày và đôi vớ. Sau ba ngày đi bộ, khi lết một cách đau đớn tới cổng trại giam, đôi bàn chân của tôi đã trở nên bầy hầy, giống như hai cái hamburger còn sống.
Trại giam này là một điển hình của những trại mà nhiều người đã từng sống qua. Trại được dựng trên một khoảnh đất trong rừng sâu, tất cả đều làm bằng tre. Chung quanh là một bức tường bằng tre, khiến người ta liên tưởng tới những tiền đồn của kỵ binh Mỹ vào thời khai phá miền Viễn Tây. Bên ngoài bức tường này lại có một bức tường khác. Giữa hai bức tường là một cái hào, giống như hào thành thời trung cổ. Dưới hào có vô số chông – là những thân tre vót nhọn, sắc bén như dao, cắm sâu dưới một lớp phân người.. Nếu rớt xuống đó, không chết vì bị chông đâm vào những bộ phận trọng yếu thì bạn cũng sẽ chết vì bị mất máu, hoặc nếu không chết ngay vì những vết thương thì cũ ng chết từ từ vì bị nhiễm trùng. Một thân cây được bắc ngang cái hào, mà phải cố gắng giữ thăng bằng, người ta mới có thể đi trên cái “cầu” này để vào trại.
Bên trong những bức tường tre ấy là những cái cũi, cũng bằng tre, để nhốt tù binh. Nào là quân nhân VNCH, nào là những người Thượng đồng minh của Biệt kích Mỹ; và hai người Mỹ – gồm tôi và một phi công trực thăng bị bắt trước đó một tháng. Tổng cộng, ít nhất cũng có vài trăm tù binh. Tình trạng trong trại giam thật tồi tệ. Chúng tôi sống như thú vật. Phần lớn những cái cũi để nhốt chúng tôi không đủ cao để có thể đứng dậy. Tuy nhiên điều đó cũng không cần thiết bởi vì chân chúng tôi đã bị cùm vào những cái cùm gỗ. Vì xương lưng bị gẫy, tôi không thể nằm mà phải ngồi để ngủ. Đêm đêm, lũ chuột chạy tới chạy lui trong cũi và gặm nhấm vết thương ở mắt cá chân của tôi. Vì hai chân bị cùm, tôi không thể nhúc nhích nên không có cách nào để đuổi chúng đi. Cho tới ngày nay, tôi vẫn còn ghét chuột!
Mỗi ngày, chúng tôi được ra khỏi cũi một lần để làm công việc thải cặn bã trong cơ thể ở nhà vệ sinh dành cho tù binh. Giờ giấc mỗi ngày đều khác nhau, cho nên tù binh nào không có khả năng chờ đợi, kiềm chế, đã tự phóng uế ra quần khi đang còn bị cùm trong cũi (rất nhiều người trong số chúng tôi bị tiêu chảy). Sau khi ra khỏi cũi, chúng tôi phải đi một khoảng mới tới nhà vệ sinh ở một góc trại.
“Nhà vệ sinh” này thực ra chỉ là vài cái hố xí để bạn phóng uế xuống. “Vấn đề” là có nhiều người trong số tù nhân bị đau yếu đã không thể nín trên đường tới hố xí, nên đã đại tiện ngay tại chỗ, khiến cả khu vực đầy rẫy những đống phân người. Một số tù nhân đau nặng, gần chết, thì được đặt trên những cái võng gần các hố xí. Khi có “nhu cầu”, người nào còn đủ sức thì ráng xuống khỏi võng để tới hố, người nào kiệt sức thì đành nằm trên võng mà phóng uế ra quần. Hậu quả là cả khu vực chung quanh mấy cái hố được mệnh danh là “nhà vệ sinh” ấy đầy rẫy phân người, mà những tù nhân còn tương đối khỏe mạnh, trên đường đi tới hố xí phải cẩn thận lắm mới né tránh được. Trên đường trở về cũi, không có bất cứ phương tiện nào để chúng tôi lau chùi, rửa ráy.
Theo ký ức của tôi thì nước uống không có “vấn đề”. Nước phân phát cho tù nhân được đựng trong những ống tre. Họ nói rằng nước đã được đun sôi, nhưng tôi vẫn bị tiêu chảy một cách thậm tệ. Nhưng lương thực thì có “vấn đề”.. Hầu như chỉ có một món duy nhất là cơm. Vào lúc gần trưa, mỗi người được một nắm to bằng trái cam, tới xế chiều được một nắm nữa. Thỉnh thoảng, chúng tôi được “chiêu đãi” bằng những khúc rễ cây có bột, gọi là sắn dây, tương tự như rễ cây “yucca” ở châu Mỹ La-tinh.. Chỉ trong vài tuần lễ, tôi đã sút mất hơn 20 ký-lô. Tôi giống như bộ xương cách trí với bộ râu dài. Trong khoảng thời gian 5 tháng, tôi không hề được cạo râu.
Tôi không hề được chăm sóc về y tế hay được cấp phát bất cứ thứ thuốc men nào cả. Nhưng người nào cũng thế thôi. Người tù binh Việt Nam bị nhốt chung cũi, nằm cạnh tôi bị một vết thương rất nặng ở ngực, không hiểu đã được băng từ đời nào, nhưng trong suốt thời gian bị nhốt chung cũi, tôi không hề thấy anh được thay băng. Cái lỗ sâu hoắm trên ngực anh không bao giờ lành. Anh còn trẻ và tương đối khỏe, nhưng tôi biết chắc chắn anh sẽ không qua khỏi.
Chúng tôi sống như thú vật, trong điều kiện môi trường nhơ bẩn, đói khổ, không một chút thuốc men, cho nên hầu như ngày nào cũng có người chết. Xác họ được chôn trên sườn đồi phía bên ngoài trại.
* * *
Ngày 2 tháng 7 năm 1972, tôi được đưa ra khỏi cũi và sắp hàng cùng với một toán tù binh. Có khoảng 25 người Việt và một người Mỹ khác. Chỉ một lát sau, tôi được biết trong toán tù binh này có một phi công bị bắn hạ cùng ngày với tôi, khi anh bay chiếc khu trục A-1 Skyraider yểm trợ cho trại Polei Klang. Tên anh là Trung-úy Xanh. Tôi sẽ không bao giờ quên tên anh. Không bao giờ!
Viên chỉ huy trại tới nói chuyện với chúng tôi, theo đó, chúng tôi sẽ di chuyển tới một trại mới, khá hơn. Nơi đó, chúng tôi sẽ được ăn uống đầy đủ hơn, và được chăm sóc về y tế; chúng tôi sẽ được nhận thư từ và bưu phẩm của gia đình gửi. Ông ta cho biết cuộc hành trình có thể sẽ kéo dài tới 11 ngày, vì thế chúng tôi phải cố gắng hết sức để đi cho tới nơi. Sau khi nghe ông ta nói, tôi tưởng tượng ra một trại nào đó cũng ở trong rừng, nhưng vị trí thuận tiện, có nhiều nhân viên và được tiếp tế đầy đủ hơn, nằm ở đâu đó phía bắc Căm-bốt hoặc ngay bên kia bên giới Lào. Riêng về lời cảnh giác của viên trại trưởng nói rằng chúng tôi “phải cố gắng hết sức để đi cho tới nơi”, tôi đã chẳng mấy quan tâm. Cho tới mấy ngày sau đó.
Với đôi chân trần, tôi bắt đầu cuộc hành trình. Các tù binh đều bị trói, người này bị cột lại với người kia bằng một sợi dây. Sau vài ngày, chúng tôi không còn bị trói nữa, vì bước đi còn không đủ sức nói gì tới chạy trốn. Tôi rất đuối, vì thiếu dinh dưỡng, vì đủ thứ bệnh không tên, và vì những vết thương lâu ngày không được chăm sóc nay đã làm độc, và ngày càng trở nên tệ hại hơn cùng với cuộc hành trình. Nhưng phải nói chính những con vắt mới là mối nguy hàng đầu; chúng không chỉ hút máu mà còn gây viêm nhiễm do các độc tố chúng truyền sang.
Trung-úy Xanh cũng ở trong tình trạng bi đát như tôi, mỗi bước đi là một sự phấn đấu cả về thể xác lẫn nội tâm, để đối phó với sự kiệt quệ của cơ thể, sự xuống dốc của tinh thần. Bởi nếu bạn không tiếp tục bước, bạn sẽ chết. Ở cuộc sống đời thường, muốn chết bạn phải có một hành động cương quyết nào đó. Bạn phải tự sát.. Nhưng một khi bạn là tù binh chiến tranh thì trong bất cứ tình huống nào, sự thể cũng trái n gược lại. Bạn phải phấn đấu từng ngày để sống sót. Còn muốn chết thì dễ quá. Cứ việc bình thản, đầu hàng một cách êm ái, là bạn sẽ chết. Nhiều người đã làm như thế. Họ chết trong trại tù đầu tiên, họ chết trên đường di chuyển. Ngay sau ngày đầu, một số người đã không chịu bò dậy nữa. Một số khác cố gắng tiếp tục cuộc hành trình nhưng rồi cũng lần lượt bỏ cuộc. Trong lúc đoàn người tiếp tục tiến bước, mỗi khi nghe một hay vài tiếng súng nổ ở phía sau, họ biết họ sẽ không bao giờ còn gặp người tù binh đáng thương ấy nữa. Toán 27 tù binh chúng tôi đã mất ít nhất là nửa tá trong hoàn cảnh nói trên, và tới lúc cuộc hành trình kết thúc, Wayne Finch, người tù binh Mỹ duy nhất ngoài tôi ra, cũng đã bỏ mạng.
* * *
Cuộc di chuyển không kéo dài 11 ngày, và đích tới cũng không phải là một trại tù nào đó nằm trong khu vực. Mà là một cuộc hành trình gian khổ kéo dài 3 tháng, đưa chúng tôi vượt gần 1000 cây số, ngược đường mòn Hồ Chí Minh, và cuối cùng hướng về Hà Nội, thủ đô của miền Bắc. Thật là một cơn ác mộng – một cơn ác mộng kinh hoàng nhất. Mỗi một bước, với tôi là một sự đau đớn tận cùng thân thể. Các vết thương làm độc ngày càng tệ hại. Tử thần đã kề bên. Cái chân bị thương đã sưng phù lên gấp đôi bình thường, với những vết nứt dài, từ đó chảy ra một thứ mủ cực kỳ hôi tanh.
Bệnh tiêu chảy của tôi càng thêm tồi tệ, tôi còn bị tới 3 loại sốt rét khác nhau cùng với vô số ký sinh trùng trong ruột. Mỗi cuối ngày, khi tôi kết thúc cuộc hành trình trên dưới 10 cây số, thần chết cứ lảng vảng bên cạnh. Mỗi buổi sáng, ngay sau khi thức giấc, tôi phải phấn đấu để cố đứng dậy, máu dồn xuống cái chân bị thương cùng với sức nặng của thân hình đè xuống, tạo ra một cảm giác đau đớn vô cùng tận. Và Trung-úy Xanh, mặc dù bản thân cũng trong tình trạng hết sức tệ hại, luôn luôn hiện diện để khích lệ tôi, giúp đỡ tôi với tất sức lực còn lại nơi anh. Tới bữa chiều, chúng tôi được phát một nắm cơm nhỏ. Xanh nói với tôi đây không phải là cách ăn uống bình thường của người Việt. Người Việt rất coi trọng bữa ăn, và có nhiều món ăn ngon. Đừng đánh giá văn minh ẩm thực của Việt Nam qua những gì chúng tôi đang được cấp phát. Tôi cố gắng duy trì đầu óc khôi hài. Đây là một việc rất khó khăn nhưng tối cần thiết. Tinh thần là yếu tố quan trọng nhất trong việc sống còn, và kể cả khi tình hình trở nên tuyệt vọng nhất, óc khôi hài sẽ giúp bạn giữ vững được tinh thần – từ đó nảy sinh hy vọng. Và trong việc này, Trung-úy Xanh cũng lại giúp đỡ tôi. Anh luôn luôn quan tâm tới tôi, và làm bất cứ những gì anh có thể làm để giúp tôi giữ được lạc quan, hy vọng. Vì thế, cho dù tình hình càng ngày tồi tệ, tôi chưa bao giờ mất hy vọng. Kể cả trong cái ngày mà đáng lẽ ra tôi đã chết, nếu như không có Xanh.
Mỗi ngày, tôi đã phải sử dụng toàn bộ ý chí để thức dậy, đứng lên và bước đi. Rồi tôi phải phấn đấu hết mình trong suốt ngày hôm đó để tiếp tục tiến bước trên con đường mòn dài vô tận. Tôi đã không còn đứng vững, nhưng bằng cách nào đó, tôi vẫn hoàn tất mục tiêu của mỗi ngày, để sáng hôm sau mở mắt chứng kiến thêm một bình minh nữa mà Thượng Đế đã ban cho.
Nhưng rồi tới một ngày tệ hại nhất trong đời. Tôi đã phấn đấu hết mình. Tôi lảo đảo muốn ngã xuống. Tôi cố gắng vận dụng hết sức lực.. Tôi loạng quạng bước đi. Rồi tôi lại lảo đảo, tôi cố gắng phấn đấu, tôi vận dụng toàn bộ sinh lực còn sót lại, và tôi cầu nguyện xin có thêm sức mạnh. Rồi tôi ngã gục, tôi bò dậy tiếp tục đi, nhưng rồi lại ngã gục. Tôi lại tiếp tục phấn đấu, phấn đấu với tất cả những gì còn lại trong cơ thể, trong trái tim, trong linh hồn.. Nhưng rồi tôi lại ngã gục, và lần này tôi không thể đứng dậy được nữa. Ý chí của tôi vẫn còn, nhưng cơ thể đã hoàn toàn kiệt lực. Cuộc đời của tôi đến đây là tận. Quân thù đến kia rồi; tên vệ binh nhìn xuống, ra lệnh cho tôi bò dậy, nhưng tôi không thể. Hắn quát tháo lớn hơn, tôi vẫn bất động. Coi như xong đời!
Nhưng Xanh đã tiến tới, vẻ mặt lo âu, cúi xuống nhìn tôi.. Mặc cho tên vệ binh quát tháo, xua đuổi, Xanh vẫn không chùn bước. Khi hắn quát tháo dữ dội hơn, nét mặt Xanh bỗng trở nên đanh thép lạ thường, và bất chấp những lời đe dọa của tên vệ binh, Xanh cúi xuống vực tôi dậ y, rồi kê cái lưng ốm yếu cho tôi gục lên, để hai cánh tay của tôi ôm vòng lấy cổ anh, hai cổ tay ghì chặt, và với tư thế ấy, anh đã kéo tôi lết theo cho tới cuối ngày.. Đôi lúc, có một tù nhân khác tạm thay thế Xanh, nhưng phải nói gánh nặng trong ngày hôm ấy dồn hết lên vai anh. Xanh là người đã bất chấp nguy hiểm tới tính mạng để lo lắng và chăm sóc tôi cho tới khi kết thúc cuộc hành trình ngày hôm đó.
* * *
Sáng hôm sau, tôi trải qua mọi đau đớn thường lệ trong việc thức dậy, đứng dậy và cố gắng lê lết cái chân bị thương trong những bước đầu tiên, để tạo quyết tâm cho một ngày sắp tới. Tôi cảm thấy đau đớn như chưa từng thấy nhưng vẫn cố gắng vận dụng ý chí để bước đi. Ngay phía bên ngoài cái trại vừa dừng chân là cây “cầu” bằng một thân cây lớn bắc ngang một dòng nước chảy xiết xen lẫn những tảng đá lớn. Tôi bắt đầu băng qua, cố gắng giữ thăng bằng nhưng không còn sức lực mà cũng chẳng còn một chút ý thức gì về thăng bằng nữa. Cái chân bị thương vô dụng kia đã hại tôi, kéo tôi nghiêng về một phía khiến tôi loạng quạng và cuối cùng rớt xuống sông. Xanh và Wayne đang đi phía trước, vội vàng quay trở lại phía bên này, lội xuống vào kéo tôi lên bờ. Họ năn nỉ đám cộng sản cho phép cả toán tù binh tạm dừng chân tại trại này cho tới khi nào tôi đủ sức tiếp tục cuộc hành trình, nhưng bị từ chối. Xanh và Wayne nhất định không chịu rời tôi. Cho tới khi đám vệ binh tiến tới, dí súng vào người và lôi cổ họ đi. Nhìn bóng hai người khuất dần cùng với toán tù binh, tôi biết mình sẽ không bao giờ gặp lại Xanh trên cõi đời này nữa!
Bởi vì, như các bạn tù đồng cảnh ngộ đều biết, trong trường hợp này, tôi bị bỏ lại trại để chết – như nhiều người khác đã chết. Thế nhưng không hiểu vì nguyên nhân hay lệnh lạc nào đó, đám cộng sản lại quyết định chích penecillin cho tôi trong mấy ngày liền. Tôi bắt đầu bình phục, và sau một khoảng thời gian ngắn, đã có thể đứng dậy. Và ngay sau khi tôi đủ sức bước đi, đám cộng sản đã ra lệnh cho tôi tiếp tục cuộc hành trình. Lần này, tôi đi chung với một đoàn bộ đội di chuyển về hướng Bắc, một tay vệ binh được chỉ định đi theo tôi làm công việc áp giải.
Cuộc hành trình cũng gian khổ như những đoạn đường đã qua, nhưng với tôi, những gì kinh hoàng nhất đã được bỏ lại sau lưng. Thậm chí tôi còn có cơ hội chạy trốn: một ngày nọ, khi đi tới một khúc quẹo và khuất tầm nhìn của tên vệ binh đi phía sau, tôi đã bỏ chạy vào rừng. Nhưng rồi hắn đã mau chóng lần ra dấu vết và đuổi kịp; mặc dù tỏ ra vô cùng giận dữ, hắn đã không bắn tôi chết, mà chỉ hung hăng chĩa súng ra lệnh cho tôi quay trở lại. Sau đó, khi bắt đầu tiến vào lãnh thổ Bắc Việt, tôi được cho nhập bọn với một đoàn tù binh VNCH, và cuối cùng, tới Hà Nội. Nơi đó, sau khi đã trải qua mọi thủ tục và nhiều nhà tù khác nhau, tôi được đưa tới “khách sạn Hilton – Hà Nội” lừng danh (tức nhà tù Hỏa Lò), và ở đó cho tới khi được trao trả vào giai đoạn cuối của cuộc chiến.
* * *
Ngay sau khi trở lại Hoa Kỳ, tôi đã đi tìm hỏi tin tức về Trung-úy Xanh nhưng không có kết quả. Tôi đã tìm gặp các quân nhân Việt Nam đang thụ huấn tại Mỹ, cũng không ai biết gì. Sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản năm 1975, tôi càng ra sức tìm kiếm, để rồi lại bị thất vọng.
Mấy năm sau, tôi được dịp tái ngộ với một quân nhân VNCH đi chung với tôi trong toán tù binh nhứ nhất, cùng với một người khác trong toán thứ hai, tên là Phạm Văn Tăng và Nghiêm Kế. Tôi nhờ họ giúp đỡ trong việc tìm kiếm tin tức về Trung-úy Xanh.. Lúc đầu, không có kết quả gì cả. Về sau thì có tin đồn nói rằng sau khi Sài Gòn thất thủ, Xanh đã bị cộng sản bắt lại và có lẽ đã chết sau nhiều năm gian khổ trong tù. Nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ có ngày được biết đích xác những gì đã xảy ra cho Xanh, và có thể cả những tin tức liên quan tới gia đình anh.
Trong những năm gần đây, tôi ra sức tìm kiếm trên internet, nhưng luôn luôn thất bại. Thế rồi cách đây mấy tuần lễ, tôi tình cờ khám phá ra trang mạng của các hoa tiêu bay khu trục A-1 Skyraider của Không Quân VNCH, trong đó có một số người cùng phi đoàn với Xanh ngày trước. Tôi gửi cho “trang chủ” mấy lời nhắn tin, và chỉ vài ngày sau, tôi đã liên lạc được với Xanh bằng email, và sau đó qua điện thoại – lần đầu tiên sau 35 năm, chúng tôi mới được nói chuyện với nhau. Tôi sẽ gặp lại Xanh trong một ngày gần nhất, có thể là mùa thu này. Tôi sẽ được nhìn thấy anh lần đầu tiên kể từ cái ngày tôi nằm lại bên đường mòn Hồ Chí Minh, mắt nhìn theo con người đã cứu mạng mình – đang bị vệ binh dí súng cưỡng ép bước qua cây cầu, trong lòng đau đớn vì phải bỏ tôi ở lại để chờ chết.
Xanh đâu có ngờ chính những cố gắng giúp đỡ tận tình của anh trong những ngày đen tối nhất đời tôi, đã trở thành động lực để tôi phấn đấu cho sinh mạng của chính bản thân mình – tôi không thể để uổng phí công lao của Xanh. Tất cả những gì Xanh làm đã giúp tôi sống sót, và chính những hành động quên bản thân của anh đã giúp tôi có thêm nghị lực và quyết tâm để vượt qua bất cứ khó khăn, tr ngại nào trong thời gian chờ đợi ngày được trả tự do.
Xanh luôn luôn là một con người đáng ngưỡng phục. Và giờ đây anh còn là một công dân Mỹ đáng quý. Tôi cám ơn trời đã cho tôi gặp được một người bạn như Xanh – vào lúc mà tôi cần tới sự giúp đỡ của anh hơn lúc nào hết; và giờ đây, xin cám ơn trời một lần nữa, vì đã cho tôi tìm lại được người bạn quý mến ấy.
Chung một mối tình

Người ta thường ví quê hương là bà mẹ, khách tha hương là những đứa con xa, những đứa con đó dù ở bất cứ tình huống nào vẫn có chung một mối tình, đó là tình Quê Hương mà Tết là trái tim để khách chung tình cùng hướng về nẻo nhớ. (Huỳnh Ngọc Nga, Italy)

---------------------------------
Bà Năm khó nhọc cúi xuống ngắt mấy đọt rau vấp cá bỏ vào rổ nylon, bà chắc lưỡi:
- Trời lạnh như vầy tội nghiệp mấy cọng rau lên cũng không nổi.
Đúng là trời lạnh thật, các khung kính quanh balcon mờ đục bởi va chạm của tiết đông bên ngoài với nhiệt độ sinh hoạt bên trong nhà. Mấy chậu rau răm, rấp cá, húng lủi, húng cây... sắp dài ngoài balcon dường như thu nhỏ lại, những chiếc lá xanh èo uột vươn lên khổ sở như bà đang khổ sở cúi xuống bởi những cơn đau thấp khớp hoành hành xương thịt. Tất cả cũng vì cái lạnh mùa đông.

Ngoài trời sương mù vẫn còn giăng khắp chốn dù đã gần mười giờ sáng. Rổ rau xâm xấp đầy, bà lại khó nhọc vịn bờ kính balcon đứng lên rồi khấp khểnh bước vào bếp.
Bên trong nhà yên ả, hơi ấm từ những chiếc máy sưởi làm không khí thật dễ chịu. Bà rửa xong mớ rau dành để cuốn gỏi cuốn rồi mở nắp thau dưa giá trên bàn xem giá đã tới độ chua hay chưa, xong bà loay hoay hâm nóng lại nồi thịt kho, nồi càri mới làm chiều hôm qua. Những năm trước bà còn khỏe, có thêm nồi vịt tiềm măng khô hoặc khổ qua hầm thịt và nào mì xào gan, cật heo; gỏi dưa chuột, cà rốt, tôm thịt ăn chung với bánh phồng tôm chiên cũng như không thể thiếu mấy dĩa thạch nước dừa cùng những đòn bánh tét truyền thống miền nam đi đôi với hủ dưa cải mặn. Tất cả những thứ đó bây giờ các cô con gái của bà chia nhau lãnh phần làm từ nhà đem đến cho bà để rước tổ tiên về ăn Tết.
Nghĩ đến Tết bà ngước nhìn cuốn lịch Tam Tông Miếu treo ở gần tủ chén, cuốn lịch mà con dâu trưởng của bà đã gửi từ Việt Nam qua bằng đường bưu điện từ trước lễ Noel, hôm nay là đúng ba mươi Tết rồi chứ có sớm gì đâu, vậy mà nhà cửa vắng hoe, chỉ có mình bà lui cui nấu nướng.

Tết năm nay nằm ở giữa tuần, nhằm ngày đi làm của các con bà. Vợ chồng hai cô con gái thứ năm, thứ sáu của bà ở Milan xa đã đem bánh tét, mứt bánh về từ những ngày nghỉ cuối tuần vừa qua và chúc Tết sớm cho bà vì không về được. Hai cô con thứ tám, thứ chín ở ngoại ô Torino cho biết sẽ đến trước lễ cúng rước ông bà. Những đứa còn lại đều ở chung thành phố Torino với bà và chắc chắn tụi nó sẽ đến chốc nữa đây để phụ giúp bà việc sắp dọn cúng kiếng trong khi chờ đợi hai cậu con trai của bà tan việc về nhà.
Tết tha hương vắng hoa mai, hoa thọ, thiếu dưa đỏ, kiệu nồng, thiếu bao nhiêu món ngon truyền thống, bà làm được những gì có thể làm cũng không tiếc công, cốt chỉ để đám con đừng quên nguồn cội, để lũ cháu sanh sau đẻ muộn xứ người biết thế nào là tập tục nơi cha mẹ, ông bà chúng đã bỏ lại sau lưng trong quãng đời phiêu bạt. Chợt dưng bà Năm thở dài, nghe lao xao trong đầu, lờ mờ trong mắt những hình ảnh, âm thanh của những ngày Tết cũ, ngày bà hảy còn là cô thiếu nữ xuân thì miền quê vùng Cầu Nổi miệt Cần Đước – Long An.
Thuở đó, Tết miền quê nhộn nhàng từ đầu tháng Chạp, heo , gà, vịt được chuẩn bị nuôi sẳn để ăn hoặc đưa về chợ, về thành phố, những nhà vườn trồng hoa cũng khởi sự cắt tỉa cho hoa nở đúng những ngày cuối năm. Cần Đước của bà Năm nổi tiếng về lạp xưởng, nhất là lạp xưởng ướp rượu Mai Quế Lộ thơm nồng, chưa đến tháng Chạp đi đâu cũng đã thấy những dây kẽm hay giàn tre phơi lạp xưởng. Nói đến lạp xưởng mà thiếu tôm chua thì đâu phải là Cần Đước, những con tôm đỏ au no tròn hấp dẫn nằm trong những ve keo đậy kín như mời gọi khách sành ăn thưởng thức vị ngọt, chua, cay nồng của món ăn dân giã này. Tết cũng để bà nhớ những phiên chợ cuối năm lúc theo phụ mẹ bà ngược xuôi Cần Đước đi Chợ Lớn buôn bán áo quần và gặp chàng trai trẻ đi mua hàng rồi từ đó tình ái nở hoa, hôn nhân ràng buộc cho ra đời một mái gia đình hạnh phúc, cùng đùm bọc, dắt dìu nhau qua bao chặng đường đời cho đến ngày bịnh hoạn cướp ông đi, bỏ bà ở lại với bao thương nhớ một thời.
Nghĩ đến chồng, bà lại thở dài, nghe cay cay mi mắt, nhớ những năm cuối đời của ông với ước mơ được quay về cố thổ để ít nhất thấy lại một lần cái Tết quê nhà, ước mơ chưa thành thì ông đã vĩnh viễn ra đi sau hơn một tháng dài nằm bịnh viện bởi bịnh tiểu đường nghiệt ngã. Kể từ ngày ông Năm mất, bà như chim lẻ bạn, sức khỏe kém dần; sau khi ăn sinh nhật đại thọ tám mươi bà tự dưng không đi đứng vững nữa, bịnh hoạn thông thường của tuổi già khiến bà cứ ra vô nhà thương như những cuộc hẹn không mời mà đến. Chín đứa con của bà, những đứa con mà ngày xưa vợ chồng bà vẫn thường thở than tại đông con nên nghèo của, bây giờ bà mới thấy hào của chẳng bằng hào con vì đó là gia tài quý giá nhất mà chồng bà để lại, chính chúng nó đã đở đần bà trong tuổi già bóng xế và nếu không có chúng chắc có lẻ bà cũng chẳng cần Tết nhứt chi ở xứ sở xa xôi nầy.
Bà lên phòng khách, nơi có bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên và bàn thờ chồng. Từ trước ngày hăm ba đưa ông Táo, cậu con thứ mười của bà đã lo chùi bóng lư hương, chân đèn, khung ảnh thờ đâu ra đó chói chang sáng rực, mấy bình hoa chỉ cắm tạm vài cành cúc trắng, cúc vàng để gọi là hương hoa ngày Tết. Dĩa ngũ quả chưng trên bàn thờ Phật được bà chăm chút sắp sẳn từ chiều hôm qua với nào đu đủ, xoài, thơm, cam, táo mà bà phải đặt trước tại một cửa hàng thực phẩm Á Đông ở trung tâm thành phố, nghe đâu chủ tiệm nhập hàng lấy từ Pháp đem về chứ Torino này chẳng có bao nhiêu người Việt nên hàng Việt rất khó tìm. Mỗi bàn thờ đều có một trái bưởi to vàng hực, loại bưởi Năm Roi nổi tiếng của miền tây trù phú, chỉ cần nhìn cũng đủ thấy nhớ sóng nước Cửu Long.

Bà Năm ngắm lại lần nữa mọi thứ trên các bàn thờ và thấy vẫn chưa vừa ý dù tất cả đều thứ tự đâu ra đó, có cái gì như thiêu thiếu, à, hình như một phong pháo Tết mà ngày xưa ông Năm vẫn thường mua để tựa bên bộ lư đồng và bộ cờ tướng mà lúc ông còn sanh tiền luôn kề cạnh bên ông. Đám con cháu của bà chúng nó chỉ biết Tết với ăn uống, hội họp, vui chơi, ít có đứa nào để ý đến chuyện chăm sóc bàn thờ cho người trên trước, nhưng riêng bà đó là nơi thiêng liêng của miền tâm linh bà luôn hằng gìn giữ, nơi mà trong những ngày Tết nầy dù xa xôi bà vẫn thấy được bao hình ảnh quê nhà xưa hiển hiện, nơi để phút giao mùa theo mùi hương trầm bà nghe hoà quyện giữa đất trời hai cõi âm dương, hai tầng thiên địa như có hồn tổ tiên, cha mẹ và chồng bà về phảng phất đâu đây lặng lẽ vui cùng con cháu.
Đó không phải là mê tín mà là sự thành tâm của người có niềm tin tôn giáo, giữ truyền thống tập tục ngàn xưa. Niềm tin và truyền thống đó giúp bà dù sống bất cứ nơi đâu trên quả điạ cầu vẫn nhớ mình là người Việt có cội, có nguồn chứ không lai căng mất gốc bởi ảnh hưởng xứ người và Tết là một trong những điễm mốc để bà chăng giây cột nhợ cho cháu con bà dù tiến về phía trước vẫn không mất phương hướng tìm về quá khứ cha ông của chúng. Tây họ có Tết tây, đầu năm dương lịch hay lễ Giáng sinh, gia đình bà cũng ăn lễ, ăn Tết tây tưng bừng cho đúng câu “nhập gia tùy cục" nhưng nhất định bà phải để cho " tây" và đám con cháu hậu sinh của bà thấy "ta" cũng có Tết như ai, có lẻ còn đậm sắc màu, giàu phong cách hơn cả |“tây“ nữa.
Khoảng nửa giờ sau thì vợ chồng Ngọc – cô con gái thứ ba của bà - đến cùng hai đứa con của họ. Bà Năm có tất cả mười ba người con nhưng chỉ còn lại bảy gái, hai trai và tất cả đều đã lập gia đình cho bà mười một đứa cháu. Antonio, ông chồng Ý của Ngọc, khệ nệ trên tay hai túi xách đầy với những món ăn Ngọc làm sẳn ở nhà đem đến. Một lúc sau thì vợ chồng Kim, Mỹ, Phương, Kiêm và các cháu bà đều có mặt đầy đủ, trễ hơn một chút thì Trung và Hiếu - hai cậu con trai của bà – cũng về. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng chén dĩa chạm nhau khi các cô gái phụ mẹ bắt đầu đem chưng bày thức ăn lên các bàn thờ để kịp giờ cúng kiến. Tiếng bà Năm lo lắng thúc hối các con:
- Mau lên đi mấy đứa, đừng để trễ giờ, đúng Ngọ là ông bà về đó.
Ngọc cười:
- Má ơi, đúng Ngọ bên Ý là sáu giờ chiều bên Việt Nam rồi, má tính theo giờ nào? Tết ta phải tính giờ ta ở bên nhà hay tính theo giờ ở đây? Mình đón giao thừa mười hai giờ khuya hay sáu giờ chiều nay hả má?
- Con nhỏ nầy – bà Năm rầy con - ở đâu, âu đó, còn đứng đó mà hỏi má hay sao?. Giờ nào cũng là giờ của trời đất, ăn thua ở tấm lòng. Thôi, sắp xếp xong chưa? Lo sẳn nhang đèn để má bắt đầu cúng. Nhớ mở cửa để ông bà vô đó nghen.
Nhà đông con gái, cháu gái nên chỉ trong một thoáng là đâu vào đấy. Ngoại trừ bàn thờ Phật, bàn thiên ngoài balcon chỉ có trái cây và hoa thắm, các bàn thờ khác đều đủ đầy cơm, canh, gỏi, bánh tét, thịt kho, dưa giá, v.v..Ngọc nhớ thuở mới cưới nhau, mỗi lần nhà có giỗ hay vào những ngày cúng Tết thế nầy Antonio thường thắc mắc không biết những người “khuất mày, khuất mặt“ có về ăn những món cúng đó hay không, Ngọc phải tỉ mỉ giải thích với chồng là người chết hay thần thánh chẳng ăn uống gì của thế gian, chỉ có người sống vì vọng tưởng trong thương yêu, kính nể nên bày ra các nghi lễ để chứng tỏ tấm lòng.

Tập tục cúng kiếng là hình thức giao hoà của âm dương, giữa bản thể Có với vật cúng và hư thể Không chỉ vong linh người đã khuất. Ai không hiểu có thể cho đó là những trò mê muội dị đoan, cúng kiếng cho người sống có dịp thưởng thức món ngon mâm cao, cỗ đầy. Nhưng ai tinh tế sẽ nhận ra rằng đó là yêu thương, là nhắc nhở không quên để người hiện tiền nhớ người quá vãng, nói chung chung để con cháu nhớ nguồn gốc tổ phụ, ông bà. Trong lung linh hương khói là tinh hoa văn hóa nước nhà, là chữ Tâm của Đông phương trọn vẹn thủy chung của người sống đối với người chết. Món ăn truyền thống Tết do ông bà truyền lại, con cháu chế biến, trên bàn ăn người sống vừa ăn vừa nhắc nhở tổ tiên, ngon hương vị, đậm tấm lòng, còn gì đẹp hơn? Antonio nghe vợ giải thích và bắt đầu có thiện cảm hơn với lễ Tết VN, nó khác xa với Tết dương lịch nhiều quá dù loại Tết nào cũng uống, cũng ăn, cũng linh đình tụ họp, nhưng Tết quê vợ anh sao nhiều ý nghĩa đến thế, thảo nào hơn mấy mươi năm rồi dù sống giữa đất nước xa xôi đoàn thể Việt nói chung và gia đình vợ anh nói riêng vẫn giữ riêng bản chất của họ, bản chất của những kẻ uống nước nhớ nguồn không quên cội rễ.
Bà Năm bắt đầu đốt hương, thoạt tiên bàn thờ Phật, sau đó đến bàn thờ đất đai và cuối cùng là bàn thờ tổ tiên và bàn thờ ông Năm. Sau bà là đám con, cháu, rể cũng lần lượt đến trước bàn thờ khấn nguyện trang nghiêm. Cũng khói hương, cũng bánh trái, cũng tấm lòng nhưng ngoài trời không có nắng hồng mà chỉ có tuyết sương giăng; chợ hoa Nguyễn Huệ, phố Tết Sài Gòn được thay bằng phố xám buồn, cây nghiêng trơ trụi lá. Không có tiếng chuông chùa vang lên giữa đêm giao thừa ấm cúng, cũng không lân, không pháo mừng đón hội xuân, không xênh xoang áo mới kéo nhau đi chùa hái lộc đầu năm, gieo quẻ cầu thời vận mới, chỉ có những tấm lòng đang hoài vọng cố hương, những đứa con nhìn mẹ khoác áo xám nhà chùa cung kính thành tâm mà mỗi người mang một nỗi nhớ khác nhau.
Trong khi chờ tàn nhang, tan khói để buổi ăn bắt đầu, cả nhà quây quần bên chiếc TV 42“ xem chương trình VTV4 coi ở VN mọi người đón Tết ra sao, còn vài giờ nữa giao thừa đến bên đó, hai phương trời xa phút chốc như hoá gần, trước mặt mọi người hình ảnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn và những thành phố quen thuộc của quê hương luân phiên xuất hiện, người và cảnh làm tăng thêm háo hức trong lòng kẻ tha hương ở phút giao mùa. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang, bên kia đường giây là tiếng nói của em gái, em trai bà Năm gọi từ Mỹ, ống điện thoại được chuyền tay cho cả nhà thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau và cũng không thiếu lời nhớ nhung nhắc lại những cái Tết ngày xưa lúc những đứa con Việt chưa làm cánh thiên di sống đời viễn xứ.
Và giờ ăn cũng đến, những cây nhang điện thay cho những cây nhang thật để tránh khói bay trong nhà, nhang đèn phải được thắp sáng cho đến khi tiển ông bà về mới tắt, ngày lễ tiển đó tùy nơi, tùy nhà không nhất định, nếu giữ đúng truyền thống xa xưa thì phải đợi lúc hạ nêu tức ngày mồng 7 Tết, những chuyện như vầy tụi nhỏ làm sao biết đuợc nếu chúng không đọc sách tìm hiểu hoặc bà Năm không giải nghĩa cho chúng nghe, và bà thì có bao giờ tiếc công nói, công dạy bảo cho chúng nó đâu, đó là chuyện "cha truyền, con nối" của dân tộc bà mà, đâu phải chỉ truyền nghề nghiệp, truyền món ăn mà còn phải truyền cả nghi thức mối giềng tâm linh nữa chứ.
Thức ăn trên bàn thờ được dọn xuống, đây mới thực là lúc những câu chuyện vang rân như pháo nổ giữa mọi người quanh bàn ăn. Những khoanh bánh tét tròn lẵn đẹp mắt tuy thiếu màu xanh lá chuối bọc ngoài vẫn là món được "thực khách" chiếu cố nhiều nhất, kế đến là món gỏi cuốn và món vịt tiềm. Bà Năm chỉ cầm đủa nhấm nháp cũng thấy no khi nhìn cháu con vui cười hỉ hạ. Tiếng con bé Elisa, cháu ngoại bà, liếng thoắng:
- Ngoại ơi, má con nói, khi đến giao thừa tụi con mừng tuổi ngoại, ngoại sẽ lì xì cho tụi con phải không ngoại?
Bà Năm cười dễ dãi, nói:
- Ở đây không có bao đỏ để đựng tiền, ngơại lì xì cho mỗi gia đình một trái bưởi VN làm lộc đầu năm, có đứa nào chê không?
Đám cháu của bà nhao nhao:
- Không, không, con không chê đâu, tụi con sẽ chúc ngoại sống lâu hơn trăm tuổi để mỗi năm Tết đến ngoại lì xì cho tụi con hoài nghen ngoại.
Ngọc chen vào câu chuyện:
- Hôm qua Kim Ngân, bạn con ở Canada, có thư e-mail cho con hay báo điện tử VnExpress tổ chức cuộc thi viết về Tết truyền thống dành cho người Việt hải ngoại, con muốn kể lại Tết nhà mình cho mọi người cùng biết chúng ta ăn Tết ra sao, chỉ sợ văn chương con chẳng bằng ai làm tốn thì giờ đọc giả và ban giám khảo mà thôi.
Kiêm ngắt lời chị:
- Ông bà mình nói "hát hay không bằng hay hát", chị cứ đổi lại "viết hay không bằng hay viết" và nên nhớ câu châm ngôn của Ý "L’importante è partecipare" tức "quan trọng là sự tham gia có mặt" chứ đừng nghĩ đến kết quả trước làm chi cho thối chí nãn lòng. Chị cứ viết đi, thay mặt cho má và tụi em nói cho mọi người biết dù xa chúng ta vẫn nhớ Tết quê nhà. Nào, chúng ta cùng nói nỗi nhớ của mỗi người, đóng góp ý cho bà chị của mình làm "viết sĩ" gửi bài dự thi đi bà con ơi. Viết để chữ Việt sống mãi với bất cứ nơi nào có người Việt nữa chị à.
Cả bàn ăn đồng loạt vỗ tay tán thành, chừng như phải có một máy ghi âm để thu lại hết những tiếng cười, tiếng nói của lũ em, đám cháu lao xao như ong vỡ tổ nói về cảm nghĩ Tết của chúng. Kim dặn Ngọc nhớ viết là cô không quên chợ Tết Sài Gòn, đường hoa Nguyễn Huệ, phố phường Chợ Lớn. Phương nhắc chị phải ghi bà Năm Ù bán bánh tét gần nhà, năm nào cô cũng phải chạy đi đặt mua gần cả chục đòn bánh để biếu bà con. Kim nói chị đừng quên chùa An Phú cạnh nhà, năm nào tụi mình cũng chạy qua lễ Phật nhưng chị cấm hái lộc nhà chùa vì sợ hoa kiểng nhà chùa xác sơ tan tác. Trung trầm ngâm như hồi tưởng rồi bảo cậu nhớ hoài đám múa lân xóm miễu Vạn, năm nào cũng thắng giải giựt giàn với pháo nổ đì đùng khi lân ăn pháo. Hiếu lẩm nhẩm đọc lại mấy bài vè lô tô rồi nói không có gì hấp dẫn hơn sau khi coi cải lương sau giờ giao thừa rồi bày bàn lô tô ra chơi qua tiếng đọc vè sang sảng của cô Chín, những bài vè cho thấy văn chương giới bình dân lao động cũng thâm thúy biết bao. Đó là chưa kể trọn những ngày Tết bầu cua cá cọp đuợc "xả giàn" cho đám con nít tiêu tiền lì xì không tiếc của. Và sau cùng bà Năm chậm rãi dặn Ngọc phải nhớ ghi chuyện cả nhà đi làm lễ gia tiên nhà từ đường, chúc thọ bà cố rồi đi chùa xin xâm xem quẻ đầu năm dù biết đó chỉ là chuyện hão nhưng thói quen của đàn bà mấy ai bỏ đuợc.
Ngọc ngồi ghi nhận vào tâm tất cả nổi niềm mọi người đóng góp. Nàng biết, cuộc thi nào cũng có lắm nhân tài tham dự, nhất là nhân tài tứ xứ người Việt năm châu, VnExpress là đất lành cho những nhân tài đó làm hoa nở mừng xuân. Còn Ngọc, để không phụ lòng mẹ và các em, nàng sẽ đem chút văn chương thời còn đi học ra làm cỏ dại tô xanh cho vườn xuân thêm nhuận sắc. Ngoài những ý tưởng của người thân, Ngọc sẽ viết thêm chuyện cộng đồng Việt một số về Việt Nam ăn tết, ai còn ở lại hoặc vui Tết gia đình như nàng hoặc ăn Tết hội đoàn cùng đồng hương chung cảnh. Nàng sẽ viết thêm chuyện Ly, Huyền và Giang gần nhà nàng, ba cô bé du học sinh Việt mới đến Ý, lần đầu thấy tuyết mùa đông và nỗi buồn nhớ mẹ cha vào ngày đầu năm mới. Người ta thường ví quê hương là bà mẹ, khách tha hương là những đứa con xa, những đứa con đó dù ở bất cứ tình huống nào vẫn có chung một mối tình, đó là tình Quê Hương mà Tết là trái tim để khách chung tình cùng hướng về nẻo nhớ.
Trời Nam xuân đến mai, đào nở
Đất khách đông về sương tuyết rơi
Bạt cánh thiên di đời viễn xứ
Tết đó tình đây một chữ hoài.

Torino, 06.02.2011
Nạn mập phì trên thế giới đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua


clip_image009


Tạp chí Anh quốc The Lancet số ra ngày 4/2 vừa qua đã đăng một công trình nghiên cứu, theo đó nạn mập phì (obesity) trên thế giới đã gần như tăng gấp đôi trong vòng 30 năm qua và hiện nay số người lớn bị mập phì trên toàn cầu là 500 triệu, trong đó, phụ nữ nhiều hơn đàn ông.
Một người được coi là dư cân khi chỉ số khối lượng cơ thể (body mass index-BMI ) ở trong khoảng 25 tới 30 và và mập phì khi BMI cao hơn 30. Ngược lại, người có BMI thấp hơn18,5 thì được coi là gầy.
clip_image011
Height in cm: chiều cao tính theo cm Weight in Kilogram: can năng tính theo kg Underweight: underweight :gầy ; normal:bình thưởng; overweight: dư cân ; obese:mập phì

Quốc gia có chỉ số BMI trung bình cao nhất thế giới là đảo quốc Naru ở Thái Bình Dương, với dân số chỉ có 14 ngàn người. Đàn ông ở đảo này có chỉ số BMI là 33,9 và phụ nữ là 35. Còn phụ nữ Bangladesh thì ngược lại hầu như ai cũng có chỉ số BMI xấp xỉ 18,5, tức là thuộc loại gầy. Về phía đàn ông, có chỉ số BMI thấp nhất là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Trong số các nước giàu, đứng đầu về chĩ số BMI cao dĩ nhiên vẫn là Hoa Kỳ, tiếp đến là New Zealand, còn quốc gia có người dân thon thả nhất là Nhật Bản.
Về phía các nước châu Âu, người Pháp và người Ý thì được xếp vào loại có thân hình tương đối gọn nhẹ. Nói riêng về phụ nữ thì thon thả nhất châu Âu là phụ nữ Thụy Sĩ. Còn đàn ông Pháp là đàn ông có thân hình gọn nhẹ nhất so với các đấng mày râu ở những nước Châu Âu khác.
Theo các nhà nghiên cứu Anh và Canada thì nạn mập phì không phải chỉ có ở các nước Tây phương hay các nước giàu, mà nay đã lan dần sang các nước có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp.
Nhân dịp này, tưởng nên nhắc lại là mập phì là một trong những yếu tố gây bệnh tim mạch, tiểu đường , ung thư và là nguyên nhân khiến 3 triệu người chết mỗi năm. Ở các nước giàu, chứng bệnh huyết áp và cholesterol cao đã giảm bớt nhờ được phát hiện sớm và điều trị tốt , Trái lai ở các nước khác thì hai bệnh này lại có xu hướng tăng.
clip_image013

Như vậy, vấn đề đặt ra cho nhân loại là phải làm sao tất cả mọi người đều ý thức được những nguy cơ của m ập phì và cách thức ngăn ngừa b ệnh n ày.Về điểm này, các nhà nghiên cứu Mỹ vừa tìm ra một liều thuốc cực kỳ hiệu nghiệm để giảm cân, đó là .... nước.
Chắc quý vị cũng đã từng nghe khuyên rằng muốn ăn ít lại, thì trước mỗi bữa ăn nên uống thật nhiều nước. Một số nhà dinh dưỡng học vẫn phản bác rằng khi trong bao tử đã có 2 hay 3 ly nước thì người ta ăn ít hơn , nhưng khi lượng nước này được bài tiết ra ngoài thì cảm giác đói có thể trở lại, mà ai cũng biết ăn nhiều lần trong ngày rất dễ làm lên cân. Nhưng trong một cuộc thử nghiệm kéo dài 12 tuần, các nhà nghiên cứu ở Virginia, Hoa Kỳ nhận thấy là số người thuộc nhóm uống nửa lít nước trước mỗi bữa ăn đã sụt trung bình 7 kg, còn bên nhóm vẫn ăn uống bình thường thì chỉ sụt trung bình có 5 kg.
(theo Thanh Phương)
Bộ videos về bệnh mập phì
http://www.youtube.com/watch?v=8HSqE1U_m_0
http://www.youtube.com/watch?v=TyUu0EUjD-s&NR=1
http://www.youtube.com/watch?v=n_bLIkiGlBQ&feature=relmfu

Phát hiện gien khiến khối u di căn trong cơ thể
Theo báo cáo đăng trên tạp chí Oncogene, các nhà khoa học tại Đại học East Anglia (Anh)đã phát hiện một gien “lỗi” có vai trò quan trọng trong quá trình phát tán những tế bào ung thư trong cơ thể. Phát hiện đột phá này có thể mở ra cơ hội điều trị triệt để căn bệnh chết người.
clip_image015
Tất cả chúng ta sinh ra đều chứa gen WWP2. Cho dù chưa xác định được vai trò chính xác của gen này trong cơ thể, nhưng các nhà khoa học thuộc trường Đại học East Anglia (Anh) đã phát hiện thấy rằng số lượng gen WWP2 tăng cao ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi các tế bào ung thư phát tán ra khắp cơ thể.
Các nhà khoa học cho rằng, gen WWP2 là tác nhân tấn công và phá vỡ chất ức chế tự nhiên – mang tên Smads ---có vai trò ngăn chặn sự phát triển và di căn của các khối u. Bằng cách vô hiệu hóa gen này, khối u có thể bị cô lập và được phẫu thuật cắt bỏ hoặc điều trị bằng bức xạ.
Giáo sư Andrew Chantry, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, tuyên bố phát hiện của họ có thể giúp phát triển những thế hệ thuốc mới có tác dụng ngăn chặn sự phát tán của phần lớn các tế bào ung thư gây bệnh ung thư vú, não, ruột kết và da. Ông nói:“Chúng ta đều biết gen WWP2 tồn tại trong cơ thể con người. Khi gen này bị lỗi, chúng sẽ là tác nhân quan trọng giúp các tế bào ung thư phát triển và di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh nhân ở giai đoạn này thường chết rất nhanh”, Theo ông “nếu chúng ta có thể vô hiệu hóa được gen này trước khi chúng bắt đầu phát triển bất thường, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được sự phát triển và di căn của các khối u trong cơ thể”.
Kết quả nghiên cứu này được giới chuyên gia ung thư hàng đầu thế giới đánh giá rất cao. Tiến sĩ Mark Matfield, thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (AICR), phát biểu: “Đây là một phát hiện mới rất thú vị giúp mở ra cơ hội phát triển một phương pháp điều trị bệnh ung thư hiệu quả hơn”

Cancer-Spreading Gene Discovered – RTT News- 1/23/2011

Drugs that halt WWP2 gene action could stop cancer Kathleen Blanchard-1/24/2011

Kháng sinh nhỏ mắt và những nguy cơ

clip_image017
Phần lớn các thuốc nhỏ mắt là kháng sinh. Cũng như khi uống hay bôi kháng sinh nhỏ mắt có thể gây ra các tai biến, đặc biệt là khi dùng không đúng chỉ định hoặc không đúng cách
Nhóm thuốc chỉ chứa kháng sinh
Nhóm này gồm các biệt dược chứa kháng sinh thông thường như chloramphenicol, tetracyclin đến các biệt dược chứa kháng sinh mạnh như cyprofloxacin, moxifloxacin...
Các bệnh về mắt đôi khi có biểu hiện bề ngoài rất giống nhau, nhưng lại do những tác nhân gây bệnh khác nhau, cần phải dùng kháng sinh đặc hiệu, nếu không sẽ không khỏi mà còn tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Ví dụ, viêm kết mạc đều làm cho mắt bị cộm, đỏ nhưng nếu do vi khuẩn phải dùng thuốc nhỏ mắt chloramphenicol, nếu do virut phải dùng thuốc mỡ mắt tetracyclin, nếu do lậu cầu phải dùng mỡ mắt tetracyclin kèm theo tiêm penicilin.
Một số thuốc kháng sinh nhỏ mắt có thể gây ra một số tác dụng phụ tại chỗ làm khó chịu ở mắt. Ví dụ, thuốc nhỏ mắt moxifloxacin (vigamox) làm giảm thị lực, khô mắt, viêm giác mạc, cương tụ, đau mắt ngứa mắt, xuất huyết dưới kết mạc. Thông thường, những tác dụng phụ này ít xuất hiện (khi dùng liều thấp), xuất hiện nhiều hơn (khi cần phải dùng liều cao) sẽ hết khi ngừng thuốc. Để đỡ khó chịu ở mắt, đôi khi cần dùng xen kẽ thuốc rửa mắt có tác dụng bôi trơn, giảm kích ứng, tạo cho mắt cảm giác dễ chịu.
Khi dùng nhỏ mắt, có một phần kháng sinh theo các mạch máu ở mắt vào trong cơ thể, tạo ra nồng độ trong huyết tương tuy không cao bằng khi uống với liều điều trị thông thường, nhưng nếu nhỏ quá liều và (hoặc) dùng lâu dài (trên hai tuần) thì thuốc vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như khi uống. Điều này càng dễ xảy ra hơn với những thuốc có tốc độ thải trừ chậm. Vì lý do này mà chỉ được dùng đúng thuốc, đúng liều (số lần, số giọt phải nhỏ) và không dùng kéo dài (quá 2 tuần). Một vài thuốc dễ gây ra tác dụng phụ toàn thân thường có ghi rõ các chống chỉ định như: không dùng thuốc nhỏ mắt chloramphenicol cho trẻ sơ sinh, người suy tuỷ. Không dùng thuốc nhỏ mắt cyprofloxacin cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ dưới 12 tuổi. Một số thuốc nhỏ có gây ra tác dụng toàn thân như khi uống nhưng chưa có thông tin đầy đủ. Tuy nhiên khi dùng loại nhỏ mắt này thường được khuyến cáo thận trọng
Thận trọng với các kháng sinh nhỏ mắt.
Trong khi dùng thuốc nhỏ mắt có kháng sinh, nếu có bệnh khác cần dùng một loại kháng sinh bằng đường uống hay đường tiêm phải rất thận trọng nhằm tránh những tương tác bất lợi. Ví dụ, khi dùng thuốc nhỏ mắt chứa chloramphenicol thì không uống hay tiêm gentamycin, tetracyclin, cephalosporin, polymycin; khi dùng thuốc nhỏ mắt tetracyclin thì không uống hay tiêm penicilin.
Một số thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có phổ kháng khuẩn trong phòng thí nghiệm rất rộng, nhưng trong thực tế lâm sàng lại chưa hẳn đã có hiệu lực với toàn thể các chủng vi khuẩn đó. Những kháng sinh này nếu dùng lâu dài có thể dẫn đến tăng quá sản những chủng không nhạy cảm, tạo nên sự nhiễm khuẩn khác. Ví dụ, thuốc nhỏ mắt moxifloxacin được chỉ định cho viêm kết mạc do rất nhiều loại vi khuẩn, nhưng nếu dùng kéo dài thì chính nó cũng gây ra bội nhiễm, kể cả bội nhiễm nấm. Một trong những tác dụng phụ hay gặp ở thuốc này lại là gây viêm kết mạc. Các kháng sinh thế hệ mới có phổ kháng khuẩn rộng, nếu cứ coi là loại thuốc đa năng, cứ dùng kéo dài, dễ dẫn đến tác dụng phụ này.
Nhóm phối hợp kháng sinh và corticoid
Nhóm này bao gồm loại kết hợp corticoid với kháng sinh (như chlorocid-H chứa hydrocortison, chloramphenicol) hoặc với hai hay ba kháng sinh (như maxitrol chứa dexamethason, neomycin, polymycin)...
Thuốc tiện dùng vì vừa chống nhiễm khuẩn (do kháng sinh), vừa giảm viêm (do corticoid). Tuy nhiên, thành phần corticoid trong thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể nên làm giảm hiệu lực của kháng sinh hiện có, làm nặng thêm bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiễm khuẩn thứ phát (bao gồm cả virut và nấm), làm chậm quá trình liền vết thương, làm tăng áp lực nội nhãn có khả năng tiến triển thành glaucoma, tổn thương thị giác, khiếm khuyết thị lực không thường xuyên, hình thành đục thuỷ tinh thể (cataract) dưới bao phía sau, làm mỏng củng mạc dẫn đến thủng nhãn cầu. Tùy theo thành phần và tỷ lệ phối hợp, mỗi biệt dược có hiệu quả và tác dụng phụ ở mức khác nhau. Vì vậy chỉ dùng loại thuốc này khi mà sự phối hợp với liều lượng tương thích trong sản phẩm đem lại hiệu quả đủ chống nhiễm khuẩn, tác dụng phụ của corticoid chỉ ở mức hạn chế (ví dụ dùng trong nhiễm khuẩn bán phần trước của mắt) chứ không dùng rộng rãi cho mọi nhiễm khuẩn hoặc tổn thương khác (như không thể dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng, viêm kết mạc do nhiễm siêu vi, nhiễm nấm, tổn thương nhãn cầu do lao, loét giác mạc củng mạc).
Kết luận
Kháng sinh nhỏ mắt cần phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Do không thấy ý nghĩa quan trọng của thuốc nhỏ mắt, lại chưa hiểu hết các tác dụng phụ, nhiều người dùng kháng sinh nhỏ mắt tuỳ tiện rất dễ gây tai biến.
8 xét nghiệm nên làm để phòng bệnh nan y
Ngoài những xét nghiệm thông thường được nhắc đến thì 8 phép thử nghiệm dưới đây cũng rất quan trọng để hạn chế sự xầy ra những căn bệnh nan y vào cuối đời.
1.Thử mức độ lọc cầu thận ( GFR- Glomerular Filtration Rate Screen)
http://www.labtestsonline.org/understanding/analytes/gfr/test.html
Mức độ lọc cầu thận là kiểu xét nghiệm máu để đo mức độ lọc độc tố của thận, phát hiện sớm dấu hiệu mắc bệnh thận, loại bệnh đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Những người nên đi làm phép xét nghiệm này là nhóm có rủi ro mắc bệnh thận cao như có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, mắc các bệnh phải dùng các loại thuốc kháng viêm, cứ 5 năm đi thử một lần. Ở thể nhẹ có thể gây suy giảm tình dục, nên tư vấn bác sĩ dùng thuốc và thay đổi lối sống khoa học sẽ giảm bệnh.
2. Phép thử Vitamin D (25-Hydroxy Vitamin D Test)
http://www.labtestsonline.org/understanding/analytes/vitamin_d/sample.html
Thử Vitamin D là xét nghiệm nhằm kiểm tra mức thiếu hụt Vitamin D của cơ thể nhằm ngăn ngừa bệnh loãng xương. Cụ thể, biết được mức độ thừa/thiếu 25-Hydroxy trong máu.
Những người nên đi xét nghiệm là nhóm người sống ở vùng ít ánh nắng mặt trời, ít ra ngoài trời, phụ nữ trên 40 tuổi. Tần suất nửa năm đi kiểm tra 1 lần. Nếu Vitamin D trong máu quá thấp thì cần phải bổ sung bằng ăn uống, tắm nắng hay thuốc bổ.
3. Thử Hemoglobin A1c
http://www.labtestsonline.org/understanding/analytes/a1c/sample.html
Phép thử Hemoglobin A1c cho biết nhanh kết quả lượng đường huyết, giúp người ta biết nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những người từ 45 tuổi trở ra, nhất là nhóm người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, bản thân mắc bệnh tiểu đường khi mang thai thì nên đi thử, tần suất 2 năm/lần. Nếu nhẹ có thể dùng ăn uống khống chế đường huyết ở mức phù hợp mà không cần dùng thuốc.

4. Thử DNA bằng phương pháp Pap Test
http://www.labtestsonline.org/understanding/analytes/pap/sample.html
Phương pháp thử Pap Smear (kính phết) phát hiện nhanh những tế bào bất thường nhưng thử DNA bằng Pap Test có thể phát hiện nhanh virus Papilloma (HPV) trước khi nó gây ung thư và đây là phương pháp rất cần cho cho nhóm phụ nữ trẻ.
Những phụ nữ đã tiêm phòng HPV cũng có thể áp dụng kỹ thuật trên vì nó chỉ có tác dụng với một số dòng virus nhất định. Bình thường cứ 3 năm đi khám một lần, nếu kết quả chưa chắc chắn thì có thể làm lại nhiều lần, hoặc khám thêm bằng kỹ thuật soi cổ tử cung và làm sinh thiết.
5. Điện tâm đồ có ranh giới ( Baseline Electrocardiogram )
http://www.skaggs.net/module.cfm?id=349&action=detail&AEProductID=HW_Knowledgebase&AEArticleID=hw213248&AEArticleType=MedicalTest#tp17362
Baseline Electrocardiogram là phép thử để kiểm tra sức khoẻ của tim, đặc biệt là những thay đổi mang tính tiêu cực. Trong kỹ thuật này người ta sẽ gắn các điện cực vào ngực, tay chân, kết quả sẽ hiện lên màn hình bằng các đồ thị.
Những người mắc bệnh về tim, khó thở, nhóm người trên 50 tuổi thì nên đi khám. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường bác sĩ sẽ khuyến cáo cách điều trị cần thiết.
6. Kiểm tra nguy cơ tăng nhãn áp
http://www.glaucoma.org/learn/diagnostic_test.php
Bằng kỹ thuật này bác sĩ sẽ biết được áp lực bên trong mắt và phát hiện nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp (glaucoma). Theo khuyến cáo của bác sĩ thì những người ngoài 40 tuổi, nhất là những người có tiền sử mắc bệnh về thị lực, người bị bệnh cận, tiểu đường thì nên đi khám sớm, cứ 1-3 năm khám một lần.
Nếu cần can thiệp bác sĩ sẽ cho giải pháp cụ thể, nhẹ thì nhỏ thuốc, nặng có thể phải giải phẫu để ngừa nguy cơ phá huỷ dây thần kinh quang dẫn đến mù vĩnh viễn

7. Xét nghiệm CRP(High Sensitivity C - Reactive Protein Test)
http://www.labtestsonline.org/understanding/analytes/crp/sample.html
Xét nghiệm CRV là phép thử quan trọng để ngừa trước nguy cơ mắc bệnh tim. CRP là một chất phản ứng ở giai đoạn cấp được gan sản xuất và bài tiết vào máu sau vài giờ viêm nhiễm.
Mức độ CRP có thể tăng vọt hàng nghìn lần để phản ứng với hiện tượng viêm nhiễm và biết được chỉ số này để theo dõi nguy cơ mắc bệnh, nhất là bệnh tim, viêm đại tràng, bệnh tự miễn, bệnh ruột thừa v.v... Những người có tiền sử mắc bệnh tim, mỡ máu cao, nghiện thuốc lá, tiền sử gia đình mắc bệnh mạch thì nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
8. Phép thử TST (Transferrin Saturation Test)
http://www.labtestsonline.org/understanding/analytes/serum_iron/sample.html
Đây là phép thử để đo lượng sắt kết dính với một protein (transferrin) có nhiệm vụ mang sắt trong máu nếu mức độ bão hoà transferrin trong máu (gọi tắt là chỉ số TS) lớn hơn 45% được xem là quá cao cần phải can thiệp.
Mức an toàn của TS hay phần trăm bão hoà là 12-44%. Tầm an toàn của Ferritin (sắt) trong huyết thanh (ST) từ 5-150 mg/ml. Nếu hàm lượng Ferritin lớn hơn 300mg/ml (đàn ông) và lớn 200mg/ml (phụ nữ) xem như đã mắc bệnh thặng dư sắt mô (TDSM) cần làm phép thử bổ sung đ ể có kết quả chính xác và có phương pháp điều trị kịp thời.
Đột phá trong việc chế tao vắc-xin chống cúm
clip_image018.
Theo báo Guardian, các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) đã thử nghiệm thành công một vắc-xin có thể chống lại tất cả các dòng cúm được biết cho tới nay.
Khác với các phép trị liệu truyển thống, vắc-xin mới nhắm đích vào các protein ở bên trong vi-rút cúm thay vì vào các protein ở vỏ bọc ngoài. Hai protein ở bên trong tất cả các dòng vi-rút đều tượng tự như nhau và hầu như không có đột biến , điều này có nghĩa là không cần phải triển khai những vắc-xin mới cho mỗi một dòng vi-rút gây bệnh mới
Các vắc-xin truyền thống kích thích cơ thể sãn xuất những kháng thể để chống lại bệnh cúm, còn phép trị liệu mới thúc đẩy việc sản xuất những T-cells , các T-cells này có khả năng nhận diện và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm khuần
Giáo sư Sarah Gilbert, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết “ Số người đã được chủng vằc-xin mới bị mắc bệnh cúm ít hơn so với số người không được chủng ngừa “. Để xác định tiềm năng bảo vệ của vắc-xin, các nhà khảo cứu đã dựa không những vào con số ngưởi bị mắc bệnh cúm mà còn cả vào con số T-cells của họ ,
Nếu được triển khai thành công, vắc-xin mới có thể giúp ngăn ngừa nhửng đại dịch như đại dịch cúm heo vừa qua,,mà việc sản xuất vác-xin phòng chống đã đòi hõi chính phủ Anh phải chi ra tới 1.2 tỉ bảng Anh
British scientists claim flu vaccine breakthrough-AFP- Feb 07,2011

5 bệnh người cao tuổi dễ mắc lúc giao mùa

Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức
Thời tiết chuyển mùa là một yếu tố tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt ở người cao tuổi. Sự giảm chức năng hoạt động hệ tim mạch và hệ miễn dịch là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến một số bệnh đặc thù. Sau đây là một số bệnh dễ xảy ra ở người cao tuổi trong các thời điểm này.
1. Viêm khớp gối:
Bệnh này xuất hiện thường xuyên nhất. Lý do cơ bản là do thoái hoá xương, hình thành các mấu xương, gai xương trong khớp gối chèn ép vào màng khớp và gây viêm.
clip_image020

Vào mùa lạnh, các mạch máu nuôi dưỡng trở nên kém tuần hoàn máu. Dấu hiệu nhận biết là đau khớp gối, sưng nề, vận động khớp gối khó khăn, nhất là các vận động gấp duỗi cẳng chân, bước cầu thang… Người bệnh ít khi sốt, trong các trường hợp này, nên vận động chân từ từ, sau một vài động tác sẽ giảm đau cho khớp. Có thể dùng một số loại rượu thuốc để xoa bóp nhằm làm tăng lượng máu lưu thông tại chỗ. Đây là tình trạng viêm vô khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.
2. Đau lưng:
Vấn đề đau lưng dường như là một công thức mang tính quy luật. Ngày thường cũng đã có hiện tượng đau lưng nhưng vào những ngày chuyển mùa, đau lưng trở nên rõ ràng hơn. Nguyên do chủ yếu là do thoái hoá xương cột sống, cột sống không còn thẳng mà bị “còng”. Đau lưng vào những ngày này gây ra hiện tượng khó nằm, khó ngủ, nằm đau, ngồi cũng đau.
clip_image022

Biện pháp xoa bóp là hiệu quả nhất vì làm tăng lượng lưu thông máu đến vùng bị tổn thương này. Hãy xoa bóp chính giữa cột sống và khối cơ hai bên ở vùng thắt lưng. Việc sử dụng thuốc giảm đau tỏ ra công hiệu nhưng phải tuyệt đối sử dụng theo chỉ định của bác sĩ vì những tác dụng phụ nghiêm trọng của nó trên người cao tuổi.
3. Cứng khớp và khó vận động:
Tự nhiên ngủ dậy, không vận động được khớp cổ tay, khó vận động khớp bàn ngón tay, khớp gối, cổ chân. Người cao tuổi khó thực hiện được các động tác nhỏ như đi lại, cầm bát đũa. Đây là hiện tượng cứng khớp ở người già. Không giống như trong các bệnh có hiện tượng cứng khớp như viêm khớp dạng thấp, tình trạng này xảy ra là do các khớp không tiết đủ các chất nhờn bôi trơn cho vận động. Đây là dấu hiệu thoái thoá khớp dạng khô khớp.
clip_image024

Để giảm mức độ, người cao tuổi nên thường xuyên tập thể dục, đi lại, phân phối thời gian nằm và vận động hợp lý. Vận động từ từ vào buổi sáng, các màng hoạt dịch sẽ được tái kích hoạt và tiết dịch bôi trơn nhiều hơn.
4. Viêm đường hô hấp:
Đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết hanh, khô hoặc ẩm thấp. Trong những điều kiện thời tiết như thế, đường hô hấp rất dễ bị bệnh như: viêm mũi họng, viêm khí quản phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Nhất là những người nghiện thuốc lá, thuốc lào thì gần như là tuyệt đối.
clip_image026

Ho, sốt, có đờm, khó thở, khò khè… là những dấu hiệu cơ bản. Giữ phòng ngủ có một không khí ấm áp vào mùa đông và mát mẻ, không ẩm thấp vào mùa hè là những biện pháp tránh những bệnh đường hô hấp cho người cao tuổi.
5. Đột qụy:
Tuổi cao là yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh mạch máu não như bệnh đột qụy. Đó là vì ở giai đoạn này, hệ mạch giảm độ đàn hồi, thường xảy ra xơ cứng mạch máu, lại hay kèm theo bệnh tăng huyết áp khi tuổi xế chiều. Thời điểm dễ xảy ra trong ngày là chiều tối và đêm. Người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể người. Trong các trường hợp nặng, người bệnh qụy ngã đột ngột và bất tỉnh. Chuyển ngay đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
clip_image028

Tập thể dục nhẹ nhàng nhưng thường xuyên, ăn uống cân đối, đa dạng, lưu ý chất béo và có một cuộc sống tinh thần thoải mái được coi là những biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Không thay đổi được tuổi nhưng ta có thể thay đổi thói quen hút thuốc và uống rượu, bia. Tinh thần thoải mái là biện pháp sống khoẻ ở người cao tuổi.
Trong mọi trường hợp cần hết sức lưu ý vì người cao tuổi có những đặc thù riêng về sức khoẻ và tâm lý. Hãy đưa người cao tuổi đi khám nếu có những dấu hiệu bất thường và xử lý các vấn đề về sức khoẻ theo hướng dẫn chuyên khoa.
Thiếu máu não thoảng qua là những dấu hiệu báo trước cực kỳ quan trọng của đột qụy
Những dấu hiệu cảnh báo đột qụy
- Đột ngột xuất hiện tê hoặc yếu nửa người (một bên tay chân).
- Ngất hoặc nặng hơn là hôn mê.
- Mất khả năng nói hoặc rối loạn khả năng nói hay hiểu lời nói.
-Những rối loạn thị giác ở một hay hai mắt: nhìn đôi, lác…
- Đột ngột mất khả năng thăng bằng và phối hợp động tác.
- Đột ngột đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân.
Các dấu hiệu trên có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại bình thường. Hiện tượng đó được gọi là cơn thiếu máu não thoảng qua. Đừng sai lầm bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo này, hậu quả có thể sẽ rất nặng nề. Bệnh nhâ n cần được nhập viện ngay
Điều nên biết về các sinh tố
Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức M.D

Sinh tố--- tiếng Anh gọi là Vitamin, có nguồn gốc tiếng La Tinh “vita” = đời sống và amino = chất dinh dưỡng cần thiết --- là những chất hữu cơ cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì sức khỏe cơ thể. Sinh tố góp phần điều hành chức năng của các cơ quan, bộ phận trong người.
Hầu hết các sinh tố cần phải được cung cấp từ thức ăn, vì cơ thể con người không thể tổng hợp được, trừ hai sinh tố D và sinh tố K. Ðiều may mắn là trong thực phẩm có đủ các loại sinh tố.
Mặc dù ta chỉ cần một lượng sinh tố rất nhỏ nhưng lượng nhỏ đó giữ vai trò rất quan trọng cho sự sinh tồn của cơ thể. Không có sinh tố thì những sinh vật cao cấp như loài người, không thể tồn tại.
http://www.youtube.com/watch?v=Aa6-jmVhbcU
Công dụng
Sau đây là một số công dụng của sinh tố:
-Góp phần vào việc cấu tạo tế bào máu, xương và răng.
-Ðiều hành có hiệu quả những chức năng của tim và hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt.
-Giúp cơ thể biến thực phẩm thành năng lượng.
-Giữ vai trò xúc tác trong các hệ thống sinh hóa và có nhiệm vụ biến năng lượng để giúp các tế bào và các mô hoàn thành các chức năng rất cần thiết cho sức khỏe của con người;
-Ngoài ra, sinh tố còn có tác dụng hỗ trợ cơ thể sử dụng các khoáng chất, chất đạm, chất bột đường và nước.
clip_image030

Phân loại
Có 13 loại sinh tố chính. Ðó là các sinh tố A, C, D, E, K và tám sinh tố thuộc nhóm B như B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic acid), B6 (pyridoxine), B12 cobalamin), folacin (acid foli) và biotin.
Ðặc biệt, sinh tố A vừa có trong các thực phẩm từ động vật như thịt, trứng lại cũng có ở dạng gọi là caroten trong thực vật. Khi được đưa vào cơ thể, caroten biến thành sinh tố A. Caroten có nhiều trong cà rốt, rau xanh, cà chua... Caroten còn là một chất chống oxy hóa rất hữu hiệu.
Ngoài ra còn một số chất không là sinh tố nhưng có các chức năng gần giống như sinh tố (vitaminlike substances). Chẳng hạn như bioflavonoid, carnitine, coenzyme, inositol.
Có hai nhóm sinh tố. Nhóm sinh t hòa tan trong chất béo như các sinh tố A, D, E, và K và nhóm sinh t hòa tan trong nước gồm có sinh tố C và các sinh tố B. Sự phân biệt này rất quan trọng vì cơ thể tồn trữ sinh tố hòa tan trong chất béo ở gan và mô béo tương đối lâu hơn, cho nên tình trạng thiếu hụt các sinh tố nhóm này chậm xẩy ra. Còn những sinh tố hòa tan trong nước chỉ tồn tại một thời gian ngắn trong cơ thể và cần được bổ sung thường xuyên để tránh các bệnh gây ra do thiếu những sinh tố nhóm này
Ða số sinh tố dễ bị sức nóng và ánh sáng hủy hoại. Do đó, trong quá trình tồn trữ và nấu nướng thực phẩm, một số sinh tố bị mất đi. Sự mất mát càng lớn khi thực phẩm được tồn trữ dưới ánh sáng, sức nóng hoặc không được ướp lạnh, cất giữ đúng cách. Sinh tố hòa tan trong chất béo ổn định hơn sinh tố hòa tan trong nước khi thực phẩm được nấu nướng. Ví dụ, khi đun sôi thì lượng sinh tố hòa tan trong nước bị phân hủy trong nước nóng, cho nên muốn duy trì lượng sinh tố này thì không nên nấu quá lâu và chỉ nên nấu với ít nước.
Mỗi sinh tố có nhiệm vụ riêng của nó. Trong một số trường hợp, vài loại sinh tố có tác dụng tương hỗ nhưng không thể thay thế cho nhau. Ví dụ:
- Sinh tố D có hiệu quả tốt hơn nếu dùng chung với sinh tố A.
- Cặp sinh tố D và A hoạt động tốt hơn nếu có sự hiện diện của sinh tố B;
- Sinh tố E được tăng hiệu năng khi đi chung với cặp sinh tố D và A;
- Sinh tố C có ảnh hưởng đến tác dụng của sinh tố A;
- Khi thiếu sinh tố B1 thì sự hấp thụ những sinh tố khác trong cơ thể gặp trở ngại.
Mặc dầu cơ thể cần sinh tố, nhưng sinh tố không thể thay thế thực phẩm. Nếu thay thế được thì người ta đã không cần những bữa ăn rườm rà, thịnh soạn mà chỉ cần uống vài viên sinh tố. Không có thực phẩm thì sinh tố không được cơ thể hấp thụ vào các hệ thống sinh hóa để làm nhiệm vụ biến năng . Do đó, nếu cần dùng thêm sinh tố thì nên uống vào bữa ăn.
Sinh tố không cung cấp năng lượng (calori) và không có khả năng tự nó làm tăng trưởng cơ thể như các chất đạm, chất béo, carbohydrate, khoáng chất và nước.
Sau đây là số lượng được khuyến cáo nên tiêu dùng hàng ngày qua thực phẩm để có sức khỏe tốt:
Sinh tố A: Nam giới 1000mcg/ ngày; nữ giới 800 mcg/ngày
Sinh tố D: 10mcg;
Sinh tố E: nam 10mg; nữ 8 mg;
Sinh tố K: nam 70-80mcg, nữ: 60-65mcg;
Sinh tố C: nam 90mg; nữ 75mg.
Sinh tố Thiamin B1: nam 1,2-1,5 mg; nữ 1-1,1mg;
Sinh tố Riboflavin B2: nam 1,3mg; nữ 1,1mg;
Sinh tố Niacin B3: nam 16mg; nữ 14mg;
Panthothenic acid: 5mg;
Sinh tố B6: 1,3-1,7 mg;
Folate: 400 mcg;.
Sinh tố B12: 2,4mcg/ngày
Mcg là 1/1000 mg.

Áp dụng thực tế
-Tại Hoa Kỳ, sinh tố bán trên thị trường dược xếp vào nhóm “thực phẩm bổ sung” (dietary supplement), tương tự các thành phần thực phẩm khác như khoáng chất, thảo mộc, enzym... và được coi như thực phẩm chứ không phải là dược phẩm. Vì không là dược phẩm, sinh tố không chịu sự kiểm soát của Cơ quan Thực Dược Phẩm (FDA)về phẩm chất cũng như công hiệu. Do đó nên dè dặt lựa chọn, đừng quá tin tưởng vào lời quảng cáo không có căn bản khoa học của nhà sản xuất.
-Nên tránh tiêu thụ liều lượng quá cao (mega dose) nếu chưa có ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng, vừa tốn tiền vừa lãnh hậu quả có hại. Chẳng hạn, dùng đúng hướng dẫn, sinh tố A giúp thị giác tốt, nhưng nếu dùng quá nhiều thì thị giác lại kém đi.
Ngoài ra dùng quá nhiều một sinh tố có thể gây ra mất cân bằng hoặc tương tác giữa các chất này.
-Phân biệt sinh tố tự nhiên từ thực phẩm với sinh tố tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Sinh tố tổng hợp thường rẻ hơn; chỉ có một loại sinh tố cho nên có thể thiếu vài yếu tố do tạo hóa cung cấp; có một vài chất mà nhà sản xuất cho thêm vào để ổn định sản phẩm và có thể gây ra vài rối loại nhỏ cho cơ thể.
http://www.youtube.com/watch?v=3Z8umDuFx1o&feature=related
-Những người sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm sinh tố: phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú; trẻ em và người cao tuổi; người đang có bệnh kinh niên hoặc đang dùng các dược phẩm trị bệnh.
-Không nên nghĩ là sinh tố có khả năng trị dứt bệnh, ngoại trừ trong bệnh phù beriberi do thiếu thiamin hoặc bệnh sưng chẩy máu nướu răng do thiếu sinh tố C. Trong 2 bệnh này, bổ sung sinh tố B1 và C giải quyết được vấn đề.
-Khi mua, nên đọc kỹ nhãn sản phẩm trong đó có ghi rõ thành phần các sinh tố với liều lượng, cách dùng.
-Và luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi định dùng thêm sinh tố, dược thảo...
Plastic”thông minh” đổi mầu khi sản phẩm đóng gói bị hư
clip_image032

Các nhà khảo cứu thuộc Đại học Strathclyde (Glasglow,Scotland) đã triển khai một plastic mỏng đóng gói thực phẩm gọi là “plastic thông minh” (intelligent plastic). Loai plastic này đổi mầu khi thực phẩm đóng gói bị hư . Nhờ vậy chúng ta có thể biết dể dàng là thực phẩm đóng gói còn an toàn để tiêu thụ hay không. Các nhà khảo cứu hy vọng kỹ thuật mới này sẽ giúp cải thiện việc bảo đảm an toàn thực phẩm và giảm bớt số lượng thực phẩm không cần thiết bị thải bỏ
Các chỉ thị độ tươi thực phẩm (food freshness indicator-FFI) hiện đang sử dụng thông thường là những nhãn (labels) được để trong bao bì . Các nhãn này thường hay bị quên lãng ,vì vậy dẫn đến một sự phí phạm lớn vể thực phẩm.
clip_image033
(1) Chất chì thị FFI được cho vào trong bao bì trước khi niêm kín
(2) Khi thực phẩm hư, các khí amine và sulfide đươc thịt phóng thích
(3) Các amine và sulfide làm chất chỉ thị đồi thành mầu vàng (thực phẩm không còn tươi)

Bao bì “plastic thông minh” sử dụng môt loại chỉ thị mới ; Chất chỉ thị này là một thành phần của chính bao bì và sẽ đổi mầu khi mà độ tươi của thực phầm xuống tới một mức đã định.
Giáo sư Andrew Mills thuộc Phân khoa Hoá học Thuẩn túy và Ứng dụng của Đai học Strathclyde, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích “ Việc đóng gói thực phẩm trong một môi trường cải đổi (modified atmosphere packaging-MAP *) đã được sử dụng ngày mỗi nhiều để ngăn chặn sự tăng trưởng của các vi sinh vật làm hư hại thực phẩm , nhưng chi phí vể các nhãn chỉ thị độ tươi thực phẩm FFI hiện nay quá cao”. Vì thế nhóm nghiên cứu của ông đã triễn khai một loại plastic “thông minh” có th êm sẵn chất chĩ thị FFI để tránh khỏi phải i dù ng tới các nhãn chỉ thị FFI (labels) và do đó hạ giảm được chi phí
Theo giáo sư Mills “ plastic thông minh” này cung c ấp một tín hiệu rõ ràng cho bi ết là thực phẩm có thễ tiêu thụ an toàn hay không, bẳng cách đổi mầu khi mà sản phẫm trong bao bì hư do bao bì bị bể, thời han tối ưu để bán đã hết hoặc sản phẩm không được đông lạnh đúng mức. Như vậy sẽ gi ảm bớt đươc sư phí phạm về thực phẫm và đồng thời cãi tiến được sự an toàn thực phẫm vì cảnh báo đ ộng m ỗi khi thực phản không được tồn kho đúng đắn
Giáo s ư Mills nói “ Chúng tôi hi vọng điều này sẽ giảm nguy cơ tiêu dùng những thực phẩm không còn an toàn và giúp ngăn chặn được những phí phạm do vi ệc loại bỏ các thực phẩm một c ách không cần thi ết . Chúng tôi cũng hi vọng là điều này sẽ ảng hưỡng trực tiếp và tích cực lên các ngành công nghệ thịt gia súc và hải sản”
Bà Lisa Branter thuộc Proof of Concept Programme của Đai học Strathclyde cho biết đang x úc tiến việc đưa sản phẩm vào thị truờng
New Plastic For Intelligence Packaging- Packaging International’ s US Correspondent- 14/01/2011
clip_image033[1](*) Đóng gói trong môi trường cải đổi( Modified Atmosphere Packaging-MAP) là một kỹ thuật dùng để kéo dài thời gian tồn kho (shelf-life period) cũa các thựcphẩm tươi hoặc biến chế tối thiểu (minimally processed). Trong kỹ thuật bảo quản nàykhông khí ở xung quanh thực phẩm bên trong bao bì (package) đựơc cải đổi để có một thảnhphần cấu tạo khác : không khí phức hợp được thay thề bởi một khí duy nhất hoặc một hổn hợp khí. Sau đó sản phẩm được tồn kho với một nhiệt độ dưới 3 độ, Mục đích cũa kỹ thuật MAP là loại trừ hoặc giảm thiểu mức oxigen bên trong bao bì, duy trì độ ẩm của thực phẩm và ngăn chặn sư tăng trưởng của các vi sinh vật ưa khí
Recently Added News
Nông nghiệp thế giới cần nuôi 9 tỉ người năm 2050
Các khoa học gia Pháp cảnh báo là cần phải có những thay đổi lớn lao trong lề lối trồng trọt, các thói quen ăn uống và tiêu thụ để có thể nuôi ăn dân số trên Trái Ðất được dự trù lên tới 9 tỉ người vào năm 2050
Cho tới 40 năm nữa, thế giới sẽ phải tăng sản lượng trong việc trồng trọt nhưng bớt trông cậy vào các hóa chất độc hại, hạn chế những mất mát và phí phạm về thực phẩm, bảo vệ môi trường và giảm bớt ảnh hưởng tai hại của các dao động giá cả đối với nông nghiệp
clip_image035 Trên đồng mía El Salvador.(
Công cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp-- được gọi là Agrimonde (tiếng Pháp có nghĩa Thế Giới Nông Nghiệp)-- được sự hợp tác của các chuyên viên thuộc Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp Quốc Gia (INRA) và Trung Tâm Hợp Tác Quốc Tế về Nghiên Cứu Nông Học cho Phát Triển (CIRAD) của Pháp. Chủ tịch của CIRAD, ông Gerard Matheron, nói tại một cuộc họp báo “Cuộc nghiên cứu này được thực hiện vào một thời điểm rất đặc biệt của nhân loại, khi dân số hiện nay là 7 tỉ người .Nền nông nghiệp thế giới đang đứng trước một thử thách lớn lao.”
Tuần trước, Tổ Chức Lương Nông (FAO) của Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng giá thực phẩm đã lên tới mức cao nhất từ trước tới nay và Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, ông Robert Zoellick, cảnh cáo rằng giá cả gia tăng đối với những món ăn hàng ngày “lại đang nổi lên như là một mối đe dọa cho sự phát triển và ổn định xã hội trên toàn cầu.”
Những vụ bạo động ở Algeria đã khiến năm người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và khoảng 1,000 bị bắt giữ, buộc nhà chức trách phải hứa hẹn sẽ cắt giảm giá thực phẩm.
Theo kết quà nghiên cứu của Agrimonde thì các vùng Bắc Phi , Trung Ðông, Á Châu và tiểu sa mạc Sahara của Phi Châu đều có nhịp độ gia tăng dân số nhanh chóng và sẽ lệ thuộc nặng nề vào thực phẩm nhập cảng vào năm 2050.
Cuộc nghiên cứu đưa ra hai diễn tiến - cả hai đều tương đối lạc quan - theo đó dân số được dự đoán 9 tỉ người trên trái đất vào năm 2050 sẽ cần được nuôi ăn.
Theo một diễn tiến được coi như không có gì thay đổi, mọi vùng trên thế giới sẽ hưởng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, đầu tư dồi dào vào nghiên cứu, canh tân, giáo dục, y tế và hạ tầng cơ sở. Nhưng theo diễn tiến này, môi trường không được dành cho một ưu tiên cao, đưa tới sự hư hại cho các hệ sinh thái.
Theo diễn tiến thứ nhì, sự toàn vẹn môi trường là một yếu tố then chốt.Ðể đạt mục tiêu này trong lâu dài, các nước giàu đặc biệt sẽ phải giảm bớt sự tiêu thụ thực phẩm quá lạm đưa tới mập phì và ngăn chặn sự mất mát và phí phạm trong việc phân phối và sử dụng thực phẩm, hiện nay lên tới khoảng 25% sản lượng.
Nền nông nghiệp tại mọi nơi sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn về nhiên liệu mỏ và bớt sử dụng các hóa chất Tuy nhiên theo ông Bruno Dorin, nhà nghiên cứu tại CIRAD, đồng tác giả cuộc nghiên cứu.” điều này không có nghĩa là trở về nền nông nghiệp cổ xưa mà là đổi mới và cải tổ xã hội” Sẽ cần biến đổi gene thực vật để gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, các đường lối khôn ngoan hơn trong việc lai giống cổ truyền đang nổi lên như những phương cách thay thế tốt cho việc thay đổi gene, hiện là một vấn đề chính trị nóng bỏng tại nhiều quốc gia, Ðồng thời, sẽ phải có những thay đổi trong luật lệ buôn bán để các nguồn cung cấp thực phẩm cho các nước nhập cảng trở nên mạnh mẽ hơn và chắc chắn hơn, do đó giảm nhẹ những chấn động về giá cả đã ảnh hưởng tới giới sản xuất hoặc tiêu thụ.
Châu Á phải tìm cách đối phó ngay với vấn đề tỵ nạn vì khí hậu thay đổi
clip_image037
Người tỵ nạn Pakistan tìm đường tránh nạn lụt ngày 16/10/2010. Ảnh tư liệu.
Reuters/Adrees Latif
Do khí hậu trái đất biến đổi , Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cảnh báo chính quyền các nước Châu Á phải chuẩn bị đối phó ngay từ lúc này với khối lượng người di cư to lớn, nếu không muốn bị rơi vào những cuộc "khủng hoảng nhân đạo" trong thập kỷ tới.. Giới chức trách nhiệm của ADB đã thẩm định : "Rõ ràng là châu Á và Thái Bình Dương sẽ nằm trong những khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất do tình hình biến đổi khí hậu".
Công trình nghiên cứu của ADB mang tên "Biến đổi khí hậu và vấn để di cư ở châu Á và Thái Bình Dương" nêu rõ là trong số các hậu quả của biến đổi khí hậu, có vấn đề "nhiệt độ tăng đáng kể, thay đổi về lượng mưa, gió mùa khó dự đoán hơn, mực nước biển dâng cao, lũ lụt và bão nhiệt đới dữ dội hơn.".Các mối đe dọa này đòi hỏi các chính phủ vừa phải nỗ lực hành động chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu, vừa phải đề ra các chính sách nhằm quản lý vấn đề di cư chắc chắn sẽ xảy ra. Theo bản báo cáo "Châu Á và Thái Bình Dương đặc biệt dễ bị tổn thương do mật độ dân số rất cao. Vì vậy, họ có thể gặp phải các vụ di dân trên một quy mô chưa từng thấy trong những thập kỷ tới đây."
Vào năm 2010, trong tổng số 207 triệu người bị ảnh hưởng của thiên tai thì 89% sống tại Châu Á. Theo Trung tâm nghiên cứu về Thảm họa ( CRED) có trụ sở tại Bỉ, thì lũ lụt và đất lở tại Trung Quốc đã gây ra 18 tỉ đô la thiệt hại, trong lúc nạn lụt tại Pakistan cũng làm mất đi 9,5 tỉ đô la. Đó là không kể đến tổn thất nhân mạng.
Tuyên bố với hãng AFP, ông Bart Edes, một quan chức lãnh đạo của Ngân hàng Phát triển Châu Á giải thích : "Chính vì các chinh phủ thiếu chuẩn bị mà ADB đã phải tiến hành công trình nghiên cứu này". Theo ông, hiện nay "không có cơ chế hợp tác quốc tế nào đề ra vấn đề di cư vì biến đổi khí hậu, các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ thì lại không rõ ràng, thiếu phối hợp và manh múm." Theo nhân vật này, chỉ cần nhìn cảnh hàng trăm ngàn người di tản ở Sri Lanka hay Philippines trong năm 2010 và đầu năm 2011 do lũ lụt, là có thể "mường tượng ra những gì sẽ xảy ra".
( theo Trọng Nghĩa )
Những thay đổi đơn giản về nếp sống có thể ngăn chặn cả triệu ca ung thư
clip_image039
Theo các chuyên gia về sức khỏe, khoảng một phần ba tất cả các ca bệnh ung thư thông thường tại Hoa kỳ, Trung quốc và Anh quốc có thể được ngăn ngừa mỗi năm nếu dân chúng ăn uống lành mạnh hơn,uống ít rượu hơn và tập thể dục nhiều hơn
Viên Nghiên cứu Ung thư Hoa kỳ (AICR) và Qũy Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) cho biết những thay đổi đơn giản trong nếp sống có thể ngăn ngừa khoảng 40 phẩn trăm các ca ung thư vú chỉ riêng tại Hoa kỳ và Anh, cũng như cả chục ngàn ca ung thư kết tràng, dạ dày và tiền liệt tuyến.
Martin Wiseman,một cố vấn khoa học cho WCRF , nói “Thật lá đáng buồn khi thấy, ngay cả trong năm 2011, người ta bị chết vì bệnh ung thư mà đáng lẽ ra họ có thể tránh được nếu biết giữ cho sức cân nặng vừa phải, tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, năng hoạt động thể lực và để tâm đến những yếu tố khác về nếp sống”
Theo WCRF, tai Trung quốc có 620,000 ca ung thư (tức 27 phần trăm tổng số các ca ung thư) có thể ngăn ngừa được , trong khi đó tại Hoa kỳ có khoảng 35 phẩn trăm (hay 340,000 ca) và tại Anh 37 phần trăm. Một nếp sống lành mạnh hơn có thể ngăn ngừa được 61,000 ca ung thư tại Brazil và 79,000 ca tại Anh.
Các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) thừa nhận các phát hiện trên đây của WCRF và cho biết tập thể dục đểu đăn có thể ngăn ngừa nhiều căn bệnh như ung thư, bệnh tim và bệnh tiểu đường.
Ung thư là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới và đang trên đà gia tăng. Mỗi năm có khoảng 12.7 triệu người được phát hiện là mắc bệnh ung thư và 7.6 triệu người bị chết vì một dạng nào đó của căn bệnh này ( cho tới nay được biết có khoảng 200 loại ung thư khác nhau)
Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) , ung thư sẽ gây tử vong mổi năm cho hơn 13.2 triêu người vào năm 2030 ( hẩu như gấp đôi con số tử vong năm 2008) --và đa số các trường hợp tử vong sẽ xẩy ra tại các quốc gia nghèo.
Trong môt thông báo riêng biệt, Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) có trụ sỡ đặt tại Geneva, cho biết mức độ hoạt động thể lực thấp là nguyên nhân chính gây ra khoảng 21-25 phần trăm các ca ung thư vú và kết tràng, 27phần trăm các ca tiểu đường, và 30 phần trăm các ca bệnh tim , trên toàn cầu
Rachel Thompson, phó giám đốc phụ trách khoa học tại WCRF, nói là nội dung thông điệp thì đơn giản (không hút thuốc, ăn những thực phẩm tốt, và giữ cho cân nặng vừa phải có thể đẩy lui nhiều loại ung thư) , nhưng làm sao thực hiện được những điều đó mới là khó. Bà nói “ Thật là dể khi chúng ta bảo rẳng -- đây là những thứ bạn cần ăn và đây là thời gian bạn phải tập thể dục --nhưng khó là chúng ta phải làm sao để moi người thực hiện được những thay đổi đó một cách dễ dàng. Theo bà Thompson, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc này --từ các tổ chức quôc tế, tới các chính phủ,và ngay cả mỗi người dân
Tổ chức WHO khuyến cáo các người lớn nên tập thể dục, ở mức vừa phải, ít nhất là 150 phút một tuần , như là đi bộ mỗi tuần 5 lần ,mổi lẩn 30 phút hoặc hàng ngày đi làm bằng xe đạp
Peter Baldini, giám đốc Tổ chức World Lung Fundation cũng kêu gọi các chình phũ nên đưa ra luật cấm hút thuốc và tăng giá thuốc lá. Thuốc lá gây tử vong cho cả triệu người nghiện mỗi năm và bệnh ung thư liên quan tới hút thuốc cũng gây tử vong cho cả trăm ngàn người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc. Ông Baldini nói” Không có mũi tên thẩn kỳ nào có thể tiêu diệt tất cả các dạng ung thư, nhưng chúng ta có cơ hội và bổn phận phải bảo vệ dân chúng chống lại ung thư ở bất cứ nơi nào “

Simple Life Changes Could Stop Millions of Cancers- Reuters- Feb 04.2011