Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Ồ ẠT VỠ NỢ

NCT Thứ Ba, 25/10/2011
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo lớn, đặc biệt trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ nợ với giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỉ đồng. Chủ nợ tháo chạy, con nợ thì đứng ngồi không yên…
Trong khi dư luận chưa hết xôn xao về vụ lừa đảo hàng nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán ở TP Hồ Chí Minh liên quan đến bà Huỳnh Thị Huyền Như, lại đến vụ Bùi Thị Thu Hằng lừa đảo hơn 500 tỉ đồng của khách hàng bảo hiểm nhân thọ Prudential ở Quảng Ninh nổ ra làm bàng hoàng dự luận. Cùng thời điểm, ở Hà Nội đã xuất hiện hàng loạt vụ vỡ nợ thông qua hình thức “tín dụng đen”. Tại huyện Đan Phượng, lợi dụng tín nhiệm và nắm bắt được tâm lí của người cho vay tiền muốn lãi suất cao, phương thức gửi gọn nhẹ, dễ dàng, nhận lãi ngay, vợ chồng ông chủ tiệm vàng Tạ Việt Quang (SN 1975) có tiếng là "đại gia" ở thị trấn Phùng đã vay được hàng trăm tỉ đồng, sau một vài phi vụ làm ăn thua lỗ, rồi bỏ trốn, đến trưa 26-9 thì bị bắt.
Đó cũng là thủ đoạn chính mà bà Nguyễn Thị Dậu (48 tuổi, Quang Trung, Hà Đông) sử dụng để đánh lừa hàng chục gia chủ với số tiền từ vài tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng.
"Vết dầu loang" này tiếp tục gây xôn xao dư luận khi mới đây thêm vụ xù nợ bỏ trốn khỏi địa phương của Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1979) ở thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lên tới cả ngàn tỉ đồng. Nếu con số ngót 1.000 tỉ đồng mà dư luận đồn đoán sau khi thu thập từ các chủ nợ của vợ chồng Hùng - Cúc đưa ra là chuẩn xác thì có lẽ đây sẽ là... kỉ lục vỡ nợ từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn Hà Nội.
"Cơn bão" tín dụng đen bắt đầu hoành hành ở quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm với chân dung của con nợ bước đầu xác định là hai vợ chồng Nguyễn Văn Hải và chị Trần Thị Xuân, trú ở huyện Từ Liêm, Hà Nội. Số tiền mà vợ chồng con nợ ôm theo ước tính nhiều chục tỉ đồng.
Dư luận vẫn chưa kịp hoàn hồn khi liên tiếp nhận "hung tin" về sự việc "bỗng dưng biến mất" cùng món nợ "khủng" lên tới 600 tỉ đồng của đối tượng Phạm Thị Chinh (SN 1975) chồng là Nguyễn Ngọc Chúc (SN 1969). Gia đình Chinh - Chúc sống ở nhà số 17, ngõ 13, Đông Quan, Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.
Chính việc "tin tưởng thái quá" vào những "ông bà chủ hờ" này mà nhiều gia đình đã rơi vào nguy cơ tan nát. Vợ chồng xung khắc, mâu thuẫn, con cái cũng vì thế mà li tán. Theo lời những nạn nhân, để có tiền cho vay, họ đã phải cắm sổ đỏ, bán đất, vay nợ bạn bè. Lẽ dĩ nhiên trong cuộc "gửi gắm" tiền này, người vay - người cho vay sẽ tự thỏa thuận với nhau về tiền lãi chênh lệch và hưởng phần trăm trong những phi vụ làm ăn. Khi mọi việc vỡ lở, nhiều người đến trình báo số nợ mà mình cho vay, ngoài mảnh giấy viết tay cỏn con chỉ còn lại… "lời nói gió bay" mà hai bên đã thỏa thuận bằng miệng với nhau. Thậm chí, có nhiều người cho vay cũng không có thời gian để hiểu người mình cho vay tiền là người như thế nào? Có tiềm lực kinh tế đến đâu?... Tất cả chỉ vì ham hố chút phần trăm chênh lệch cao hơn so với lãi suất trần của các ngân hàng nhà nước niêm yết. Có một thực tế hiện nay là, việc cho vay tín dụng đen vẫn đang diễn ra âm thầm. Người dân muốn vay bao nhiêu cũng có và ngược lại, chủ nợ muốn huy động một số tiền lớn cũng không quá khó. Trong khi đó, cơ chế giám sát, quản lí và thiết chặt việc cho vay theo hình thức "tín dụng đen" bị bỏ ngỏ.
Hầu hết các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đều khẳng định các vụ vỡ nợ trên thị trường chợ đen không gây thiệt hại gì cho tổ chức của mình. Điều này có thể đúng nếu các NHTM không cho vay các đối tượng trên hoặc có cho vay nhưng tài sản bảo đảm đã được phát mãi và thu hồi lại đủ tiền. Tuy nhiên, những tác động gián tiếp từ tín dụng đen và việc vỡ nợ này là khả năng thu hút vốn của các ngân hàng giảm, gây khó khăn cho nền kinh tế, có thể ảnh hưởng lớn đến các NHTM, đặc biệt là những NHTM có tỉ lệ nợ quá hạn và nợ xấu cao, những NHTM đã cho vay phi sản xuất nhiều hoặc cho vay các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ...
Những vụ vỡ nợ tín dụng đen gần đây phản ánh hoạt động của hệ thống ngân hàng đang có chiều hướng xấu đi. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 7-10-2011, nợ xấu của nhóm NHTM nhà nước tăng 66,18%, nhóm các ngân hàng cổ phần tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010. Tỉ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm 2010 đã tăng lên mức 3,13% vào cuối tháng 6.2011. Tổng nợ xấu sáu tháng đầu năm khoảng 75.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm khoảng 47%. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì tính thanh khoản hệ thống ngân hàng vào thời điểm cuối năm 2011 sẽ trở nên rất căng thẳng. Những NHTM nhỏ có thể là những ngân hàng đầu tiên gánh chịu tác động.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: Ngoài những tổn hại cho những cá nhân trực tiếp cho vay, các vụ vỡ nợ còn gây hại cho nền kinh tế của đất nước. Thay vì đem gửi tiền vào túi những cá nhân lấy lãi suất cao, người dân có thể đưa vào ngân hàng, dù lãi suất thấp nhưng độ an toàn cao. Điều này giúp cho các ngân hàng huy động được lượng vốn còn tồn đọng trong xã hội đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ cho nền kinh tế. Góp thêm nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn nghiêm trọng, nền kinh tế sẽ bớt đi khó khăn như hiện nay.
Cách đây 20 năm hàng loạt những vụ bể hụi với số nợ "khủng" khiến nhiều người điêu đứng, vậy mà đến giờ nhiều người vẫn còn mắc phải vết xe đổ của "hội chứng giàu xổi"!? Phải chăng, long tham đã làm họ mờ mắt?
Hà Phúc Anh