Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

tintuccaonien.com

BÀN TIN  ĐẶC BIỆT

Ngày 28 tháng 10 năm 2011

1.Điện thoại di động không gia tăng rủi ro ung thư não

clip_image002
Năm tỉ người trên thế giới hiện đang dùng điện thoại di động sẽ không còn phải lo ngại vể sự gia tăng rủi ro bị ung thư não. Một trong những nghiên cứu qui mô và lâu dài do các nhà khoa học Đan mạch thực hiện cho thấy là số trường hợp khối u não đối với những người sử dụng điện thoại di động hơn 17 năm không khác gì so với những người không dùng điện thoại di động

Mặc dẩu không có nghiên cứu nào có thể chối bỏ nguy hại này một cách tuyệt đối,nhưng theo Bác sĩ Erziel E. Kornel, giám đốc Viện Khoa học Thần kinh tại Bệnh viện Northern Weschester, Mount Kisco,N.Y thì “ nguy hại này nếu có thì cũng hết sức nhỏ”
Những nghiên cứu trước đây đã không giải đáp được dứt khoát câu hỏi liệu sửdụng điện thoại di động có hại hay không: Trong khi nhiều nghiên cứu không thấy có gì đáng lo ngại, thì một số ít nghiên cứu khác lại cho biềt có sự gia tăng rủi ro bị khối u não ác tính
Dựa vào tất cả các bằng chứng hiện có, Tồ chức Y tế Quốc tế (WHO) vào tháng năm vừa qua đã coi điện thoại di động như “ có khả năng gây ung thư cho người” và xếp nó vào cùng loại với thuốc diệt sâu
Các chuyên gia đã quan ngại rằng các điện từ trường sóng rađiô phát ra bởi điện thoại di động để gần tai có thể gây bệnh ác tính
Nghiên cứu mới đây, do các nhà khảo cứu thuộc Viện Institute of Cancer Edidemiology tại Copenhagen (Đan mạch), là nghiên cứu nối tiếp của một thử nghiệm trước đây mà theo đó không có sự gia tăng rủi ro nào do điên thoại di đông gây ra.
Trong nghiên cứu mới này các nhà khoa học Đan mạch đã phân tích dữ liệu của khoàng 360.000 người sử dụng điện thoại di động trong hơn 18 năm . Qua thời gian dài, trong số này có 356 người bị u thần kinh đệm ( glioma)và 845 người mắc ung thư hệ thống thần kinh trung ương.
Tuy nhiên, nhóm dùng điện thoại và nhóm không dùng có tỷ lệ mắc bệnh không khác nhau đáng kể. Ở nhóm dùng điện thoại di động lâu nhất (13 năm trở lên) nguy cơ này không hề cao hơn.
Ngoài ra cũng không thấy dấu hiệu gỉ là khối u xuất hiện nhiều hơn ở những vủng não gần tai ,chỗ mà điện thoại di động được áp sát
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho biết người dùng điện thoại di động vẫn được theo dõi tiếp, để đảm bảo rằng họ không phát bệnh sau thời gian dài hơn và để xem ảnh hưởng của đi ện thoại di động đối với trẻ nhỏ.
Ông Hazel Nunn, Trưởng Bộ phận Thông tin Y tế tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Anh quốc, cho biết "Những kết quả trên là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy việc sử dụng điện thoại đi động dường như không làm tăng nguy cơ ung thư não ở người trưởng thành",
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng có vài hạn chế trong nghiên cứu này, trong đó có việc không khảo sát nhóm người sử dụng điện thoại di động vào mục đích kinh doanh - tức là một trong nhóm người sử dụng điện thoại di động nhiều nhất.

Cell Phones Don't Raise Brain Cancer Risks - Oct, 21,2011

2.Dùng muối vừa phải
Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức
Muối (NaCl) là những hạt mầu trắng, vị mặn, tách ra từ nước biển hoặc khai thác từ mỏ di tích của biển. Ðây là một chất cần thiết cho mọi sinh vật nhưng cũng có nguy cơ gây bệnh nếu dùng quá nhiều.
Muối được dùng từ thuở rất sớm trong lịch sử loài người. Trước đây, vì khan hiếm, nên muối là nguồn lợi mà nhiều lãnh chúa tranh giành. Ngày nay, nhờ kỹ thuật tinh chế tân tiến, muối được sản xuất dễ dàng, nhiều hơn và rẻ hơn.
Về cấu tạo hóa chất, muối gồm hai phần tử là sodium (40%) và chlor (60%). Sodium có trong nhiều thực phẩm, nhất là trong thực phẩm chế biến, nước tương, thịt cá để dành và các loại nước uống.
clip_image004
Nhiều người cho là muối biển tốt hơn nhưng thực ra muối từ biển và muối từ mỏ có cùng lượng sodium như nhau. Có thể là ở một vài mỏ, muối ít mặn vì nước biển xưa kia cũng nhạt hơn nước biển ngày nay.
Vai trò muối trong cơ thể
Trong cơ thể, muối nằm trong các dung môi lỏng (50%), dự trữ trong xương (40%) và 10% trong các tế bào.
Thận là cơ quan điều hòa mức độ muối trong cơ thể. Khi muối thấp, thận giữ muối lại. Khi muối quá cao thì thận thải ra ngoài qua nước tiểu. Khi thận không loại trừ được muối, muối giữ nước, tăng lưu lượng máu trong hệ tim mạch. Tim làm việc nhiều hơn và áp suất trong mạch máu cũng tăng theo. Từ đó một số bệnh như suy tim, suy thận, phù nề phổi có thể xẩy ra.
Vai trò chính yếu của muối, nhất là sodium, giúp giữ cân bằng dung dịch chất lỏng ra vào các tế bào. Ngoài ra, muối còn có các nhiệm vụ khác như:
-Kiểm soát khối lượng máu, điều hòa huyết áp.
-Duy trì nồng độ acid/kiềm của cơ thể.
-Dẫn truyền tín hiệu thần kinh.
-Giúp cơ thể tăng trưởng.
-Giúp bắp thịt co duỗi.
-Giúp mạch máu co giãn khi được kích thích hoặc dưới tác dụng của kích thích tố.
-Hỗ trợ việc hấp thụ đường glucose và các chất dinh dưỡng khác ở ruột.
Công dụng dinh dưỡng
-Muối tạo ra một vị mặn đặc biệt cho thực phẩm.
-Muối làm tăng mùi vị của món ăn. Chỉ với một chút muối có thể làm sự thơm ngon của miếng thịt lợn nướng chả dậy mùi. Một vài món thực phẩm ngọt mà chêm tí muối cũng trở lên đậm đà hơn.
-Muối được dùng trong việc để dành thực phẩm, chống lại tác dụng của vi khuẩn, nấm mốc. Với thịt chế biến, muối làm các thành phần của thịt liên kết với nhau. Nhờ muối mà thực phẩm có thể cất giữ lâu ngày cũng như chuyên chở tới các địa phương xa.
-Muối ngăn sự lên men của thực phẩm. Lên men làm thay đổi hóa chất, hương vị, hình dạng, vẻ ngoài của món ăn.
Về dinh dưỡng, muối có trong thực phẩm tự nhiên và nước uống (20-40%), được cho thêm khi nấu nướng hoặc khi ăn. Nhưng nhiều hơn cả vẫn là trong thực phẩm chế biến (40-50%). Vì thế, khi mua các loại thực phẩm này, ta cần đọc kỹ nhãn hiệu để biết hàm lượng muối trong đó. Nước tương tầu, các loại nước chấm xì dầu, mù tạc... cũng có nhiều muối.
Nhu cầu
Nhu cầu muối ở người bình thường tùy thuộc vào khí hậu thời tiết, mức độ hoạt động của cơ thể. Mỗi ngày cơ thể mất đi khoảng 120 mg muối qua phân, nước tiểu, mồ hôi.
Các chuyên viên y tế khuyên là mỗi ngày ta không nên dùng quá 2,300 mg sodium, tương đương với một thìa cà phê muối. Với người trên 51 tuổi hoặc người bị cao huyết áp, tiểu đường, suy thận thì nên dùng khoảng 1,500 mg/ngày. Thực ra cơ thể chỉ cần khoảng 500 mg sodium là đủ để duy trì sức khỏe. Số lượng này có sẵn trong các bữa ăn đa dạng và cân bằng các chất dinh dưỡng.
Nhiều người ăn tới 4,000-5,000 mg sodium một ngày. Họ không thấy ngon miệng đối với món ăn ít muối vì thế mỗi khi ăn lại phải thêm muối vào thực phẩm để tăng khẩu vị. Họ rất thích ăn thực phẩm làm sẵn như khoai mỏng chiên, đậu phọng, hột điều rang trong đó có khá nhiều muối.
Dùng muối nhiều hay ít, mặn hay nhạt là một thói quen, giống như khi ta ăn các món cay, chua, ngọt. Người quen ăn nhạt, độ 250 mg sodium mỗi ngày, rất nhạy cảm đối với muối, và nếu trong thức ăn có thêm một chút muối, họ cũng phân biệt được ngay. Trái lại những người quen ăn mặn đều có cái lưỡi như chai lì với muối, và nếu thức ăn có thêm muối họ cũng không thấy mặn hơn.
Khi có thói quen ăn nhạt thì thưởng thức được hương vị nguyên thủy của nhiều thực phẩm không thêm muối.
Tác dụng trên sức khỏe
Mối quan tâm thứ nhất của nhiều người là sự liên hệ giữa quá nhiều muối với cao huyết áp. Liên hệ này thực ra đã được biết tới từ nhiều ngàn năm nay.
clip_image006
Người Nhật ở miền Bắc ăn tới 20,000 mg sodium (khoảng 6 thìa cà phê) mỗi ngày cho nên số người mắc bệnh cao huyết áp cao hơn dân miền Nam ít ăn muối tới 38%.
Thổ dân Alaska ăn ít muối nên ít bị bệnh cao huyết áp.
Người Mỹ ăn từ 6,000 đến 8,000 mg muối mỗi ngày, tức là gấp đôi hay gấp ba số lượng vừa phải, nên tỷ lệ dân chúng bị bệnh cao huyết áp lên tới 25%. Cao huyết áp là một trong nhiều nguy cơ đưa tới tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và suy thận.
Khi ăn nhiều muối thì sự thăng bằng giữa kali và sodium trong cơ thể bị đảo lộn vì sodium cao sẽ làm giảm kali trong các mô. Khi cho thêm muối vào các loại rau, đậu thì sự thăng bằng giữa natri và kali trong rau đậu cũng thay đổi.
Ví dụ trong 100 g đậu tươi có 300 mg kali và 2 mg sodium. Khi thêm muối vào đậu để đóng hộp thì sodium lên đến 236 mg và kali giảm xuống còn 160 mg.
Khi mức thăng bằng giữa sodium và kali trong cơ thể bị đảo lộn thì cơ thể bị chứng phù nước. Ðây là sự tích lũy bất thường của nước trong khoảng trống giữa các tế bào. Hậu quả là các mô thiếu dưỡng khí và là nguy cơ gây ra nhiều chứng bệnh trầm kha như bệnh suy tim. Ðồng thời tim cũng phải làm việc mạnh hơn để đẩy máu vào mạch máu, và huyết áp sẽ lên cao.
Người nhạy cảm với muối chỉ ăn một phân lượng nhỏ, huyết áp cũng lên quá mức trung bình.
Ðể biết có nhạy cảm hay không, có thể thử bằng cách sau đây: Khi huyết áp cao, không ăn muối trong một tháng rồi đo huyết áp đều đặn. Nếu huyết áp giảm thì có nhiều phần là nhạy cảm với muối và nên giảm tiêu thụ hoặc dùng muối thay thế.
Một người Ðức tên là Sebastian Kneipp, sống vào đầu thế kỷ 20, đã làm một cuộc thí nghiệm hy hữu về muối để thỏa óc tò mò.
Ông ta pha thêm muối vào thực phẩm của bò và quan sát phản ứng của con vật này. Kết quả là khi ăn nhiều muối, bò chết sớm. Khi ngưng muối thì bò sống lâu hơn, và cũng không còn đẻ non.
Gần đây có người lại thí nghiệm cho chuột ăn thêm muối. Kết quả là chuột ăn nhiều muối chết trước chuột ăn ít muối vài tháng.
Ðể giảm muối
Thực ra ta không nên và không được loại bỏ muối khỏi món ăn vì cơ thể cần một số lượng tối thiểu. Hơn nữa, dù muốn bỏ cũng chẳng được vì muối có tự nhiên trong nhiều thực phẩm. Nếu vì lý do sức khỏe mà phải hạn chế thì sau đây là vài gợi ý để giảm muối trong thức ăn:
-Nên dùng thực phẩm tươi, giới hạn thực phẩm biến chế, đóng hộp.
-Không cho thêm muối khi ăn.
-Không cho nhiều muối khi nấu thực phẩm. Khi ăn, thấy nhạt thì dùng thêm. Cho muối khi món ăn nấu đã gần chín, như vậy nước súp sẽ cho cảm giác mặn hơn.
-Các loại thực phẩm ướp muối cần được rửa nhiều lần với nước để loại bỏ bớt muối trước khi ăn.
-Không để lọ muối trên bàn ăn.
-Ðừng cho muối vào rau luộc, vì muối hút nước từ rau ra, rau sẽ cứng.
Phụ nữ có thai không nên quá tiết giảm muối để tránh phù nước, vì có thai cũng cần một số sodium có trong món ăn hàng ngày.
Các vận động viên hoặc người làm việc lao động ngoài nắng, đổ mồ hôi nhiều và mất bớt muối cũng không cần uống thêm natri, vì thực phẩm dùng sau khi vận động đều cung cấp số muối đã mất.
Một số dược phẩm bán tự do cũng có sodium: thuốc làm bớt chứng khó tiêu bao tử (loại alkalizer), thuốc ho, thuốc xổ táo bón, thuốc kháng sinh. Do đó, trước khi dùng các loại thuốc này, xin coi kỹ nhãn hiệu và hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên cẩn thận khi dùng những món như mù tạt, nước xốt cà chua, dầu giấm, nước chấm thịt nướng, nước tương, xì dầu, bột ngọt và ngay cả món quốc hồn quốc túy nước mắm của mình, vì chúng có khá nhiều sodium. Một muỗng canh nước mắm có tới 1,800 mg sodium.
Kết luận
Ăn nhạt mặn là một thói quen có thể thay đổi được nếu ta muốn.
Nói như vậy không có nghĩa là ta phải ăn hoàn toàn nhạt, trừ khi có khuyến cáo của thầy thuốc. Nhưng giảm thói quen ăn mặn, chỉ dùng một lượng muối vừa phải có thể giúp ta thưởng thức thực phẩm tốt hơn, vì thực phẩm thêm nhiều muối sẽ mất đi hương vị tự nhiên của nó.
 
3.Không lạm dụng vitamine D
Mọi người vẫn nhầm tưởng đã là vitamine đều lành cả và khi sử dụng sẽ vô hại, uống càng nhiều sẽ có lợi cho cơ thể. Quan niệm đó là hoàn toàn sai lầm vì bất cứ một thức gì khi sử dụng quá liều lượng đều gây tổn hại cho cơ thể, chỉ có mức tổn hại đó nhiều hay ít mà thôi. Thật vậy ngay cả khi ăn cỗ bàn mà quá trớn cũng có thể sinh nguy hiểm, nhẹ là bội thực, nặng có thể dẫn đến viêm tụy cấp gây tử vong
Đối với Vitamin D khi uống quá liều cũng gây nguy hại cho cơ thể, vì vậy vitamine D còn được xếp vào loại thuốc độc dược thuộc bảng B.
Vitamine D có tác dụng chống bệnh còi xương, vì khi thiếu vitamine D thì quá trình chuyển vận calcium từ máu đến xương bị trở ngại, làm cho bộ xương kém cứng cáp, chậm phát triển. Nhờ sự có mặt của vitamine D hỗ trợ sự hấp thụ calcum và phosphore để cố định lên xương, vì vậy phòng chống được bệnh loãng xương.
Vitamine D còn có khả năng tăng cường sức mạnh cho cơ bắp, đồng thời góp phần vào sự hình thành và tái tạo làn da.
Các kết quả nghiên cứu gần đây cho biết vitamine D đã góp phần bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh ung thư, bệnh lão suy và tăng cường hệ miễn nhiễm.
Trong cơ thể vitamine D hiện diện dưới hai dạng: --Một là vitamine D2 (Ergocalciferol) và vitamine D3 (cholécalcifrol) đều do thực phẩm cung cấp. --Hai là vitamine D3 nội sinh do tế bào da tổng hợp được từ tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời.
clip_image007
Nguồn vitamine D được cung cấp từ ánh nắng mặt trời nên còn được gọi là vitamine của mặt trời vì chiếm tới 50 - 70% nhu cầu vitamine D mỗi ngày đã được da tổng hợp từ tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Tất nhiên sự tổng hợp này còn tùy thuộc mùa hay nhiễm sắc tố của làn da và tuổi tác nữa (ở tuổi 20 tổng hợp nhiều gấp 3 lần tuổi 80).Thực phẩm cũng là nguồn cung cấp nhiều vitamine D như gan cá, sữa bò, lòng đỏ trứng, thịt... Sau khi ăn, thực phẩm vào cơ thể, vitamine D sẽ được hấp thu tại ruột non, rồi vào máu và dự trữ ở gan, cơ bắp và mô mỡ.
Đối tượng cần đến vitamine D như bé sơ sinh và trẻ em ít ra ngoài nắng. Phụ nữ đang mang thai, nhất là 3 tháng cuối thai kỳ, tương ứng vào lúc thai nhi đang hình thành bộ xương. Người cao tuổi ăn ít và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không nhiều. Hay những người mắc bệnh đường tiêu hóa gây nên kém hấp thu vitamine D từ thực phẩm. Hoặc những người mắc bệnh da cần phải kiêng ra nắng. Những người phải sử dụng thuốc chống động kinh lâu dài gây trở ngại cho sự biến đổi vitamine D trong gan. Đặc biệt vitamine D rất cần thiết cho trẻ em để phòng chống còi xương và giúp bộ xương phát triển, xương rắn chắc, chóng mọc răng. Tuy nhiên với người già vitamine D cũng cần thiết bổ sung thích hợp để phòng chống loãng xương, nhuyễn xương, xương gãy chậm lành, hay chứng cơ dễ co giật.
Vậy những biểu hiện nào cho biết tình trạng cơ thể đang bị thiếu vitamine D. Đó là trẻ có hiện tượng co giật, hay đã được 15 tháng tuổi mà vẫn chưa biết đi. Trẻ thường bị mệt mỏi, đau khi chạy, đau ở xương, chân vòng kiềng. Còn với người lớn thường biểu hiện mỏi cơ bắp, xương đau dẫn đến đi lại khó khăn.
Biện pháp phòng ngừa thiếu vitamine D tốt nhất là hàng ngày đi bộ đều đặn từ 20 - 30 phút dưới ánh nắng ban mai. Thay đổi khẩu phần ăn theo thực đơn giàu calcium và vitamine D, hoặc có thể bổ sung thuốc polyvitamine trong đó có vitamine D.
Cần thận trọng khi sử dụng vitamine D, vì lạm dụng loại thuốc này sẽ làm tăng calcium trong máu gây nên sự lắng đọng calcium không bình thường tại thận, hay ở động mạch và cơ vân, có khi còn làm gia tăng calcium ở nước tiểu dẫn đến thành mạch bị đọng vôi khiến tăng huyết áp. Khi sử dụng liều cao vitamine D có thể gây ngộ độc mà biểu hiện lâm sàng như chán ăn, nôn, mất nước, khát, cao huyết áp, giảm cân, yếu thận, yếu cơ, đau khớp xương. Trong thời gian mang thai nếu sử dụng quá liều vitamine D có thể dẫn đến rối loạn tăng trưởng, dị dạng bào thai. Không sử dụng vitamine D cho người mắc bệnh lao phổi đang thời kỳ tiến triển hoặc bệnh nhân đang mắc bệnh ở ruột và dạ dày, bệnh cấp và mạn ở gan và thận, bệnh tăng calcium trong máu và suy tim.
Do vậy việc sử dụng thuốc nói chung, vitamine D nói riêng, cũng cần có sự chỉ định của thầy thuốc chứ không thể uống tùy tiện và lạm dụng./.