Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI

Bùi Bích Hà
Thoi Báo on-line 28/5/2012 
BUI BICHHAHỏi:Tôi năm nay 75 tuổi, vợ tôi 72. Chúng tôi có 2 con trai và 3 con gái đều đã trưởng thành, có chồng, có vợ, nghề nghiệp tốt, nhà cao cửa rộng. Chúng tôi có tất cả 8 cháu nội ngoại, xếp hàng từ 6 tháng đến 10 tuổi.

 Ngay từ lúc đứa cháu đầu tiên ra đời, vợ tôi lập tức cảm thấy phải nghỉ hưu non để phụ con gái trông nom cháu. Từ đó tới nay, hẳn là do tình thương và lòng bao dung của một bà mẹ, vợ tôi liên tục vừa là vú em, vừa là chị bếp của từng ấy gia đình và tất nhiên, tôi trở thành phụ tá đắc lực của bà ấy. Con cái cả trai lẫn gái, cả dâu lẫn rể, thoải mái giao phó con cái cho hai ông bà già để đi làm, đi chơi. Khi nào các cô cậu xong việc thì đến nhận lại con, đứa nào cũng thơm tho, quần áo sạch sẽ, mặt mũi tay chân không xây xát và no nê. Chưa hết, cô cậu còn lục bếp tìm đồ ăn, ăn đã còn 'to go', bà già phải liên tục đi mua hộp đựng để sẵn đầy tủ. Nhà tôi cả ngày tối tăm mặt mũi với lũ trẻ, lo giặt giũ, dọn dẹp, chợ búa, bếp núc, vừa đặt lưng xuống sofa đã lại nhỏm dậy ngay vì một việc gì đấy chưa làm hoặc cần phải làm. Phần tôi, từ khi hưu trí, cứ lấn bấn việc đưa đón từng ấy đứa trẻ từ nơi này qua nơi khác, cũng hết cả ngày.
Quanh năm suốt tháng như thế, đá cũng phải chảy mồ hôi nữa là người già? Ở tuổi ngoài 70, sức khỏe chúng tôi ngày một kém đi nhưng trong mắt con cái, những nô bộc không công của tình cảm gia đình này không bao giờ ốm đau hay chết được, chúng cứ vô tư tận dụng thôi! Thỉnh thoảng gọi là đi nghỉ hè nhưng sự thực cũng lại để tiếp tục làm vú em cho lũ trẻ! Bế cháu nhiều quá, nhà tôi nay bị viêm gân ở cườm tay, rất đau nhức, chưa kể thức đêm, ngủ không thẳng giấc, cơ thể hao mòn và xuống cân. Tôi giận lắm, bảo nhà tôi thôi đi, trả lũ trẻ con cho cha mẹ chúng vì ông bà giúp nhiều rồi, đủ rồi, chúng phải có trách nhiệm với con cái (ấy là tôi chưa thèm nói đến bổn phận của chúng đối với cha mẹ già, ít nhiều cũng phải có chứ?) Thế nhưng cứ hễ tôi nói là nhà tôi khóc lóc, ngăn cản, bảo là thương nhớ cháu, bảo là muốn đỡ đần cho con cái vì chúng phải đi làm vất vả. Tệ hơn nữa, còn sợ bị chúng trách móc và đem cha mẹ nhà khác ra so sánh, khiến bà 'feel guilty' nên cứ cố cho đến chết. Mà phải chi chúng nó nghèo quá, làm không đủ ăn? Đằng này, mẹ tiết kiệm, dè xẻn chừng nào thì chúng càng mua nhà rộng, xe đẹp, quần áo sang trọng, đồ chơi xa xỉ chừng đó. Cứ để mặc chúng, tôi biết mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy, chúng phải tự lo liệu lấy nhưng cái khó là tâm lý sợ mất con, sợ bị con trách móc hay hờn giận, sợ mình không làm đúng chức năng của bà mẹ nơi nhà tôi khiến bà ấy cứ nhắm mắt chấp nhận những chuyện phi lý. Tôi viết thư này để nhờ bà gióng lên một tiếng chuông xem quý độc giả nghĩ gì về vấn đề này? May ra làm cho nhà tôi chuyển. Tôi từng nói với bà rằng bà cứ làm cho cố, chẳng may nằm một chỗ hay bỏ tôi sớm, tôi cam đoan sẽ chả có đứa con nào bỏ việc của chúng để lo cho tôi với bà như bà đã lo cho chúng đâu! Thay vì suy nghĩ điều tôi nói là sự thực, nhà tôi lại trách tôi sao hẹp hòi, còn cho là tôi ganh với con cháu nên tôi đành chịu thua.
Đúng là chúng tôi đang ở giữa những thử thách lớn của tình cảm gia đình mà không tìm được cách tháo gỡ, xin nhờ bà góp ý cho, rất cám ơn.
Tr T. (Fountain Valley)


Trả lời:Bất cứ cảm xúc nào của con người, một khi quá đà, đều trở nên xiềng xích vì không còn hợp lý nữa. Ngay từ lúc ông bà đón đứa cháu đầu tiên ra đời, như một câu tục ngữ từng diễn tả: con đầu, cháu sớm, đứng trước niềm vui rào rạt của bà nhà, nếu ông đủ sáng suốt để sớm nhận diện vấn đề, ngăn cản bà nghỉ việc, giữ mọi quyết định ở trong chừng mực hợp lý, tôi chắc tình hình không “tới luôn” để đến nỗi vượt qua giới hạn cần thiết như hiện nay.
Giờ đây, trở lại chuyện đã qua và muốn làm cho nó khác đi, ông không thể nói qua loa mà chuyển đổi được, nhất là trong hoàn cảnh bà nhà đã gánh vác quá nhiều trách nhiệm với con cái, muốn nhất đán buông bỏ, thật không dễ. Tựa như bà đã hứa hẹn một vai trò, một món quà, không thể bất thần rút lời hứa ấy lại mà không cảm thấy áy náy trong lòng, chưa kể thời gian gần gũi chăm nom các cháu lâu dài đã khiến bà quyến luyến chúng. Ông đã hỏi, tôi xin mạn phép thưa: theo thiển ý tôi, nay là lúc ông nên bước ra khỏi địa vị người phụ tá bất đắc dĩ của bà để nhận lấy trách nhiệm thu xếp chuyện gia đình theo cái cách ông cho là đúng, là phải, là hợp tình, hợp lý nhất. Ông nên có những buổi nói chuyện riêng với mỗi đôi vợ chồng, thẳng thắn lưu ý họ về tình trạng sức khỏe, tuổi tác và sự hy sinh quá độ của bà trong hơn mười năm qua, cho họ biết họ nên quan tâm hơn, tinh tế hơn, để nhìn thấy cái gì cần nhìn thấy đằng sau nụ cười của bà, để cất giùm gánh nặng cho bà chứ đừng chờ đợi bà sẽ cất lên tiếng nói nếu không là cùng lúc với sự quỵ ngã của người mẹ không còn điều kiện để nước mắt chảy xuôi nữa.
Bằng cách này, tôi tin những người con của ông bà có thừa điều kiện chăm sóc con cái của họ sẽ biết họ phải làm gì nhưng cũng đồng thời tránh được cho mẹ cảm giác bất an, tự thống trách mình vì không cố gắng thêm... Bà có thể nhớ các cháu và ông sẽ luân phiên đưa bà tới nhà các con để bà được vui chơi thỏa thích và nghỉ ngơi khi cần. Thêm nữa, trong điều kiện như tôi vừa gợi ý, đại gia đình vẫn có thể tùy nghi sắp đặt lịch nghỉ hè mời ông bà đi cùng, bà sẽ không thiếu cơ hội vui chơi bên các con cháu mà không phải nhọc nhằn quá.
Làm được như gợi ý của chúng tôi, ông vừa giải tỏa cho bà áp lực những lời phiền trách từ người chồng (tuy là với thiện ý nhưng vì không nắm được đầu mối để tháo gỡ, chúng trở thành một nỗi dày vò khác), vừa lo sợ bị con cái phiền trách, buồn giận hay tự cho mình thiếu bổn phận, vừa giữ gìn được không khí yên vui giữa mọi thành viên gia đình, thật là nhất cử tam tứ tiện và có lẽ đây cũng chính là niềm mơ ước chung của các bậc cha mẹ luống tuổi trong hoàn cảnh giống như ông bà, cảm thấy rất bối rối đứng trước sự thử thách gay gắt của tình cảm gia đình bị thử thách.
Rất mong đã phần nào trả lời được câu hỏi của ông. Kính chúc ông bà sớm tìm lại được sự bình an trong tâm hồn.