ĐẤU TRANH CHO DÂN BỊ LÃNH "ĐÒN THÙ"Câu chuyện tôi sắp kể với bạn đọc sau đây chỉ là thứ “chuyện nhỏ tí tẹo ở thôn xóm”, nhưng thật ra nó phản ành tình trạng của cả nước. Bởi ở đâu người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể “lãnh cái búa tạ” này của mấy ông ở cái Ủy Ban Nhân Dân (UBND) địa phương.
Chuyện xảy ra ngay tại Hà Nội, thủ đô của VN, vậy ở những nơi xa xôi thì còn biết bao chuyện đáng nói hơn nữa. Suy từ chuyện nhỏ tí tẹo này, có thể thấy những nguyện vọng chính đáng của người dân được các cấp chính quyền nhân dân “xử lý” ra sao.
Hàng trăm gia đình dân phải dùng nước nhiễm độc Asen
Theo chủ trương của TP Hà Nội, 115 gia đình khu nhà gỗ nguy hiểm phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã chuyển về các tòa nhà tái định cư tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm. Nhưng suốt 6 năm qua, hàng trăm người dân vẫn không được hưởng nguồn nước sạch.
Theo lời của các gia đình dân khu tái định cư B3, B4, B5 thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn gửi đến báo chí, cho biết: Hiện 115 gia đình dân, với khoảng 500 người, già trẻ lớn bé, đang phải sống trong những điều kiện thiếu thốn, đặc biệt là nguồn nước hàng ngày bị nhiễm bẩn gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Trong suốt 6 năm qua, đại diện khu dân cư đã nhiều lần gửi đơn thư lên chủ đầu tư, cùng các cơ quan chức năng TP. Hà Nội nhưng đều không được giải quyết những yêu cầu chính đáng.
Cho đến lúc này, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho các gia đình khu nhà B3, B4, B5 vẫn là nước giếng khoan không được xử lý theo đúng quy chuẩn. Theo kết quả xét nghiệm được anh Lê Trung Kiên cung cấp, ngày 15/5/2012, Phòng Công nghệ điện hóa môi trường kết luận hàm lượng chất Asen tại khu tái định cư vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, vi khuẩn Ecoli vượt xa mức giới hạn cho phép. Hàm lượng chất nitrat là 191,6 trong khi mức cho phép chỉ là 50. Khi tìm hiểu thực tế, trạm nước cung cấp nước sinh hoạt đến các gia đình dân khu tái định cư Cầu Diễn chính là trạm nước do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng và phát triển đô thị đầu tư phục vụ cho dự án xây dựng.
Kêu thì cứ kêu, sức khỏe con người vẫn bị đầu độc
Sau khi phát hiện nguồn nước nhiễm độc, đại diện khu dân cư đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đề nghị cung cấp nguồn nước sinh hoạt bảo đảm cho sức khỏe người dân. Ban quản lý khu tái định cư và UBND thị trấn Cầu Diễn đã nhiều lần họp để ghi nhận ý kiến người dân, Công ty nước sạch thành phố cũng cam kết cung cấp nước sạch cho 115 gia đình dân tái định cư Cầu Diễn vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay những lời hứa này vẫn chưa thành hiện thực, còn sức khỏe của người dân đang bị “đầu độc” hàng ngày.
Không chỉ ô nhiễm về nguồn nước sinh hoạt, hệ thống thu gom rác thiết kế cho khu nhà B3, B4, B5 cũng là điều khiến cho hàng trăm cư dân lo lắng. Theo ghi nhận thực tế, nhà tái định cư B3 không được thiết kế hệ thống thu gom rác khiến người dân phải tự mang xuống đổ như hình ảnh thường thấy ở các khu tập thể cũ có tuổi thọ 20 - 30 năm. Những tòa nhà được lắp đặt hệ thống lại không có người thu gom thường xuyên khiến không khí luôn trong tình trạng ô nhiễm, thậm chí bốc mùi nồng nặc vào các ngày nắng nóng.
Người kêu cứu bị trả thù
Ông Hoàng Tiến An, thành viên Tổ bảo vệ dân phố, chính là người đại diện cho dân, đứng tên đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí phản ánh nguồn nước bị nhiễm độc cùng những nguy hại vệ sinh môi trường xuất phát từ công tác quản lý kém của chính quyền và chủ đầu tư. Đặc biệt, ông còn là người tích cực cung cấp thông tin cho báo chí trong loạt bài viết về sự việc này đồng thời chỉ rõ sự tắc trách, chối bỏ trách nhiệm của Công ty Cổ Phần tư vấn đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Hà Nội.
Ông An được hầu hết ngưởi dân đánh giá là người tốt bụng, thẳng thắn được bà con lối xóm tôn trọng, ông tham gia tổ bảo vệ dân phố nhiều năm nay. Ông còn là người luôn đi đầu trong công tác xã hội của khu dân cư.
Bỗng dưng bị “đá” ra khỏi tổ bảo vệ
Khi vấn đề nước sạch đang được cơ quan chức năng giải quyết, ngày 24/9/2012 vùa qua, Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn Trần Mạnh Hùng bất ngờ ký quyết định miễn nhiệm số 427/QĐ - UBND đối với vị trí nhân viên Tổ bảo vệ với ông Hoàng Tiến An mà không đưa ra lý do chính đáng.
Đánh giá về quyết định miễn nhiệm của thị trấn Cầu Diễn đưa ra với ông Hoàng Tiến An, ông Nguyễn Thanh Tự, Trưởng nhà B5 cho rằng đó là việc làm thiếu thuyết phục: “Ai làm cũng có sai sót, nhưng chúng tôi thấy ông An là người có trách nhiệm nhất trong số các thành viên tổ bảo vệ nên việc miễn nhiệm là không thuyết phục. Trong khi đó những vấn đề an sinh cấp thiết như nguồn nước, vệ sinh, thang máy tại các tòa nhà thì không được chính quyền giải quyết.
Tuy khi sau đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hách – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) có nêu lý do ông An nhiều lần vi phạm quy định trong khu dân cư như… đá bóng dưới lòng đường!?
Một nguyên nhân khác rất đáng để dư luận bất bình, nghi ngờ về “động cơ” của Quyết định 427. Đó là thời gian qua, ông An đã đại diện cho hàng trăm gai đình dân tòa nhà B3, B4, B5 và dân cư các khu vực xung quanh thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng trình bày về việc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Hà Nội cung cấp nước nhiễm bẩn cho 115 gia đình.
Phải chăng đó là “đòn thù”, bịt miệng nhân dân
Những câu hỏi của người dân và báo chí nêu lên với UBND Cầu Diễn:
- Vì sao một người tốt bụng, được nhân dân tôn trọng, tin cậy và đã tham gia công tác này từ nhiều năm nay lại “bỗng dưng” bị miễn nhiệm đúng vào thời điểm được coi là “nhạy cảm”, khi ông tích cực phản ảnh về tình trạng nước ô nhiễm?
- Có hay không việc UBND Cầu Diễn khó chịu trước những phản ánh chính đáng của nhân dân nên ra “đòn thù” và thậm chí, đã bị doanh nghiệp biến thành “công cụ” để “trả thù”, “bịt miệng” công dân?
- Đặc biệt là cần làm rõ nguyên nhân ông An bị “đòn thù” có phải do cung cấp thông tin cho báo chí. Bởi nếu như vì thông tin cho báo chí mà ông An bị trả thù thì sự việc không hề đơn giản, nó là tiền đề đặt sự “đối đầu” giữa một bên là chính quyền với một bên là người dân và báo chí.
Chính quyền không còn là của nhân dân nữa
Hàng trăm ý kiến của người dân bày tỏ sự phẫn nộ về việc này. Xin nêu vài ý kiến tiêu biểu:
- Bạn Lê Tiến Sỹ bày tỏ: “họ sợ dân nói thẳng nói thật, ông An lại là người như vậy nên họ muốn loại bỏ ông an để họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn...”
- Bạn Huy Hoàng, viện dẫn pháp lý hiện hành, phải khởi tố công ty vi phạm: “Thực tế, ông Hoàng Tiến An là thành viên tổ bảo vệ dân phố lại bị “miễn nhiệm” (tức là cho nghỉ việc) vì đứng ra bảo vệ cho dân phố. Vậy, xin hỏi chính quyền UBND thị trấn Cầu Diễn là bổ nhiệm thành viên tổ bảo vệ dân phố để làm gì, hay là chỉ để bảo vệ chính quyền... doanh nghiệp. Trong trường hợp này, thực tế, chính quyền UBND thị trấn Cầu Diễn không còn là chính quyền của nhân dân nữa, mà chính quyền của Doanh nghiệp, thay vì UBND là UB doanh nghiệp thì đúng hơn”.
Vì, miễn nhiệm ông An là đồng nghĩa với việc đứng về cái sai của Doanh nghiệp cấp nước, bảo vệ cho Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội (HACID, số 69 Quán Thánh). Dư luận thật sự bất bình với Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Hà Nội, bởi vì Công ty này biết nhưng vẫn cung cấp nước nhiễm độc tố (Asen, Nitrat, Ecoli, Colifom...) cho người dân. Đúng lý, họ phải bị khởi tố vì tội theo điểm c, khoản 1, điều 186 Bộ luật hình sự với hành vi “Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”. Cấp nước biết rõ là chứa nguồn bệnh, nguy hiểm, độc hại, nhưng gần 7 năm qua vẫn cấp cho dân ăn uống, gây ra bệnh ung thư, viêm đại tràng, đường ruột... Chúng tôi khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Hà Nội (HACID) và cá nhân liên quan.
- Bạn Bạch Dương tiên đoán… như thần: “Quá rõ ràng còn gì. Không những ông An bị miễn nhiệm, mà sau này ông và gia đình sẽ còn rắc rối lôi thôi khi có việc gì cần giải quyết ở cửa quan. Rõ là “đấu tranh thì... tránh đâu”.
- Bạn Vũ Anh nêu một thực tế khác: “Một lần xin xác nhận độc thân để lấy vợ mà còn phải phong bì với trưởng thôn ( xóm ) của 1 thôn ( xóm ) ! Việc cỏn con thế còn tiền huống chi là những việc lớn!”
Vâng, chán thật
Sự “đối đầu” này một cách công khai hay ngấm ngầm đang là một thảm họa của người dân thấp cổ bé miệng ở khắp nơi, chứ chẳng riêng gì ở xã Cầu Diễn. Cho nên, nêu lên chuyện này không hề nhỏ. Đôi khi sự “trả thù dân” còn thâm độc, tàn ác hơn nhiều dẫn đến đổ máu, khiếu kiện, thù hằn dai dẳng, mà phần thiệt tất nhiên về phía người không có quyền, không có tiền, nhất là không có thân thế với nhà quan. Xin hãy nghe nhận định ngắn gọn của bạn Thanh Long, kết luận về tình trạng này ở các địa phưiơng:
-“Chuyện thường ngày ở huyện đó mà, các bác chính quyền chỉ muốn người dân thấp cổ bé họng đừng có xen vào công việc riêng của chúng tôi. Còn thuế thì cứ phải đóng đầy đủ để chúng tôi tiêu sài vào những việc mà người thấp họng bé cổ không cần biết... thật chán!”
Vâng, chán thật!
Cần phải có sự thanh tra sâu rộng, phải đi sát với nguyện vọng chính đáng của người dân. Các quan trên đừng đi xe “ô tô con” về địa phương để được đón tiếp linh đình, nghe các cấp dưới kể lể thành tích, quan trên ban vài câu chỉ thị cũ rích lòng thòng, sau đó dự liên hoan rồi “dông tuốt”, chẳng hiểu gì về dân tình khốn khó ra sao. Như thế thì nguyện vọng chính đáng của người dân chẳng bao giờ được đáp ứng đến nơi đến chốn, mong gì có đời sống khá hơn.
Hãy nhìn cách “phục vụ nhân dân” của một công sở
Hiện tượng sau đây cũng không phải là “cá biệt”. Nó thường xảy ra ở khá nhiều nơi, chỉ người dân biết, cấp trên không biết hay có biết cũng “đánh chữ đại xá”, nói cho đúng “phe lờ” luôn.
Chưa hết giờ làm việc nhưng cả Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long vắng hoe. Phần lớn “cán bộ” ở đây đều đang tham dự một buổi nhậu “hoành tráng” với khoảng 20 bàn.
Khoảng 16 giờ 15 phút ngày 14-9, một số người dân đến làm việc hoặc chứng giấy tờ ở Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long bất ngờ khi thấy các phòng ban nơi đây khóa cửa im ỉm, cả bảo vệ cũng không có dù chưa hết giờ làm việc (theo quy định giờ làm việc buổi chiều là từ 13-17 giờ).
Toàn thể “cán bộ” bận đi nhậu Thấy sở không bóng người, một người dân tên Châu đến xin giấy tờ đã gọi điện thoại cho cán bộ ở Sở Công thương và được người này hẹn giải quyết công việc vào thứ hai tuần sau. Rất may, ông Châu được hận hạnh gặp được một cán bộ ở sở đi về trong tình trạng ngà ngà say cho biết: “Hôm nay, cả cơ quan đi ăn nhậu tại Hội quán Ngân Vinh trên đường Phạm Thái Bường (phường 4, TP Vĩnh Long). Tiệc bắt đầu lúc 15 giờ 30, giờ bọn họ còn trong đó”.
Khi đến quán nhậu Ngân Vinh, thì được biết đây là tiệc nhậu ăn mừng cuộc chuyển giao chức vụ giữa Giám đốc sở Công thương cũ là ông Hồ Văn Huân và tân Giám đốc Nguyễn Minh Tho. Tiệc tổ chức rất linh đình với khoảng 20 bàn, các khách mời được chiêu đãi toàn bia lon Heineken. Dân đứng ngoài nhỉn.., thèm nhỏ dãi.
Chức sắc phường ăn nhậu, đánh bạc và đánh lộn ngay tại trụ sở
Chưa hết, ngày 4-10 vừa qua tại một trụ sở “hoành tráng” của một địa phương khác, các “quan xã” còn chơi bạo hơn. Ông Lê Văn Thanh (48 tuổi), Phó chỉ huy quân sự phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) cho biết, 12h40 ngày 4/10, các cán bộ phường rủ nhau ra quán thịt chó uống rượu. Sau chầu nhậu, ông và một số lãnh đạo phường rủ nhau lên phòng làm việc ở tầng 3 trụ sở ủy ban để đánh bài ăn tiền.
Buổi “liên hoan” có sự tham gia của ông Dương Tất Thành, Bí thư Đảng ủy; Lương Trí Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy phường; Trịnh Xuân Tính, Phó chủ tịch HĐND phường; Lê Văn Quyết, Trưởng quân sự phường; Dương Đình Long, Phó chủ tịch Hội Nông dân; Lê Duy Đạo, Bí thư chi đoàn. Coi như gồm toàn “lãnh đạo chóp bu” của phường đều hào hứng góp mặt.
Theo tố cáo, trong khi chơi, do nghi ngờ ông Thanh "đóng nước" (tức là góp tiền ăn uống) thiếu, ông Lê Văn Quyết chửi bới và xông vào đánh ông Thanh. Ông Thanh kể. “Tưởng mọi người sẽ can ngăn, ai ngờ ông Thành cùng một số người khác xông vào đánh đấm tôi túi bụi. Bị đánh hội đồng và bất ngờ, tôi không thể chống cự".
Trận đòn hội đồng khiến ông Thanh phải nhập viện với nhiều vết thương trên người. Bà Trần Thị Thanh Hà (vợ ông Thanh) đã gửi đơn tố cáo những người có liên quan, nhờ cơ quan chức năng can thiệp.
Giải quyết ra sao?
Ông Dương Đình Huệ, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng cho biết, việc ông Thanh bị đánh tại trụ sở cơ quan là có thật. Phường đã làm báo cáo gửi UBND thành phố và đang giao công an xác minh.
ông Huệ nói: “Tôi đã chỉ đạo công an phường xác minh, điều tra. Nếu đúng là có chuyện đánh bạc tại trụ sở thì thật tồi tệ, đặc biệt cán bộ của Ủy ban lại tham gia nữa thì cần phải xử lý nghiêm”.
Lại bài ca “sẽ xử lý nghiêm”. Không biết những trụ sở hoành tráng ở địa phương khác, tiền của dân bỏ ra xây dựng cho thật oai, thật đẹp, còn có những trò giải trí liên hoan nào hấp dẫn hơn thế nữa không?
Làm quan ở địa phương sướng thật.
Văn Quang
12-10-2012