(Tamnhin.net02/3/2012) - Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đạt thành tựu rất to lớn và được dư luận thế giới đánh giá rất cao. Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới với GDP trên 6.730 tỉ USD năm 2011. Nhìn từ phía trước rực rỡ, nhưng nhìn từ phía sau Trung Quốc hiện tồn tại không ít vấn đề và các nguy cơ.
Báo điện tử “Nhân Dân”-cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc ngày 1/3/2012 cho biết trước ngày “Lưỡng hội” khai mạc (Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa 11và Hội nghị chính trị hiệp thương Khóa 11) sắp khai mạc vào ngày 5/3/2012 tại Bắc Kinh. Trước thềm “Lưỡng hội”, từ 7/2/2012 tờ “Nhân dân Nhật báo” và Báo điện tử “Nhân dân” của ĐCS Trung Quốc tiến hành cuộc thăm dò dư luận về 20 vấn đề “nổi cộm, bức súc” trong dân chúng hiện nay.
Tính tới chiều 29/2/2012 đã thu được 1,55 triệu phiếu trả lời, trong đó 10 vấn đề “bức súc” của dân chúng được xếp thứ tự như sau: 1-Đảm bảo xã hội không công bằng. 2-Phân phối thu nhập bất công. 3- Chống tham nhũng bất lực. 4- Cải cách công tác đảm bảo y tế. 5-Vấn đề tam nông. 6- Sự công bằng giáo dục chưa tốt. 7- Quản lý xã hội lỏng lẻo. 8-Vấn đề vật giá gia tăng. 9-Không kiểm soát được giá nhà đất. 10-An toàn thực phẩm chưa tốt.
Vấn đề đảm bảo xã hội. Tờ báo cho biết mấy năm qua đều được dân chúng quan tâm. Năm 2008 đứng vị trí số 10, năm 2009, đứng ở vị trí số 8. Nhưng từ năm 2010, 2011 tới nay luôn luôn ở vị trí số 1, dân chúng phàn nàn nhiều mà vẫn không được giải quyết đúng mức hợp lý, nhất là đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân về hưu, người già cả, người mất việc làm, người thất nghiệp. Đa số ý kiến phàn nàn rằng 7 năm qua tiền lương hưu và tiền trợ cấp đã tăng lên, nhưng tổng cộng mức tăng trong 7 năm qua chưa bằng 1/3 mức tăng lương đối với cán bộ, công nhân tại chức. Trong khi đồng lương hưu trợ cấp đã thấp, họ lại phải đóng góp rất nhiều khoản chi phí, nên đời sống càng gặp khó khăn hơn. Đa số dân chúng cho rằng việc nhà nước thực hiện chính sách “Hai chế độ bảo hiểm xã hội” đối với dân chúng là bất công. Một số yêu cầu nhà nước phải định ra chính sách đảm bảo đời sống cho nông dân bị mất ruộng đất chứ không thể làm ngơ sau khi đã lấy ruộng đất của họ. Tờ báo cho biết đa số chuyên gia học giả đều đồng tình với ý kiến của dân chúng.
Về vấn đề phân phối không công bằng. Tờ báo cho biết vấn đề này hầu luôn đứng hàng đầu trong các cuộc thăm dò dư luận hàng năm. Rất nhiều ý kiến cho rằng phân phối không công bằng đã dẫn tới hậu quả hố ngăn cách chênh lệch giàu – nghèo quá lớn nhưng nhà nước vẫn chưa có chính sách điều chỉnh thích đáng. Hầu hết cho rằng mức đảm bảo tối thiểu theo chính sách hiện nay là quá thấp, trên thực tế không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu.
Rất nhiều công nhân đang làm việc ở tuyến đầu cho rằng lương của họ quá thấp, sự chênh lệch tiền lương và thu nhập giữa các ngành nghề quá lớn, lương của công nhân hiện nay không theo kịp với tình trạng trượt giá hiện đang ngày càng tăng. Rất nhiều ý kiến cho rằng nhà nước phải kiểm soát và hạn chế tình trạng tăng lương bất hợp lý trong các doanh nghiệp quốc doanh quy mô lớn.
Giáo sư Học viện hành chính quốc gia Uông Ngọc Khải nói: “Cải cách tình trạng phân phối bất công hiện chưa được tiến hành đúng mức theo nguyện vọng của dân chúng. Nguyên nhân chủ yếu do sự ngăn cản và gây rối của ba tập đoàn lợi ích lớn trong xã hội hiện nay: Một là, Tập đoàn lợi ích của giới quyền quý mà đại biểu là tầng lớp quan chức lãnh đạo tham nhũng. Hai là, Tập đoàn lợi ích của tầng lớp lũng đoạn mà đại biểu chủ yếu là các chủ doanh nghiệp quốc doanh lũng đoạn của nhà nước. Ba là, Tập đoàn lợi ích của tầng lớp tài nguyên môi trường mà đại biểu chủ yếu là chủ doanh nghiệp kinh doanh nhà đất và tài nguyên môi trường. Ông cho rằng ba tập đoàn lợi ích này thời gian qua đã cản trở rất lớn tới cải cách công tác phân phối công bằng.
Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội Viện khoa học xã hội Trung Quốc Lý Bồi Lâm cho rằng Nhà nước phải có quyết tâm nhìn thẳng và xử lý vấn đề này thì mới có thể giữ cho đất nước ổn định lâu dài.
Về vấn đề tham nhũng, tờ báo cho biết đa số cho rằng Đảng và Nhà nước phải có quyết tâm loại bỏ mảnh đất nảy sinh tham nhũng, tiến hành công khai các thông tin đối với quan chức Đảng - Nhà nước, phát huy vai trò giám sát tổng hợp của dân chúng.
Tờ báo cho biết những vấn đề khác cũng nổi cộm và nhiều bức súc trong dân chúng như Vấn đề đảm bảo ý tế hiện nay rất bất cập. Dân chúng khám chữa bệnh hiện nay rất phiền hà, tiêu tốn nhiều tiền nhưng vẫn không được đảm bảo.
Tờ báo cho biết sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến của dân chúng để kịp thời phản ánh đối với các đại biểu của “Lưỡng hội” để Quốc hội đưa ra quyết sách giải quyết thời gian tới./.
Kiều Tỉnh