Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

CÔNG CHA,NGHIÃ MẸ

ĐỂ CÓ ĐƯỢC NGÀY HÔM NAY
HUY PHƯƠNGThoi báo on-line 28/6/2012 - Biến cố 30 tháng 4-1975 đã đưa một số người Việt Nam rời khỏi đất nước ra đi. Trong hoàn cảnh “bỏ của chạy lấy người”, khi ra nước ngoài họ phải hết sức vất vả để gầy dựng lại cuộc đời.
gia dinh
Có những gia đình đi bình an, nguyên vẹn từ những ngày Saigon chưa thất thủ, mang theo được một số tài sản họ đã gầy dựng vất vả trong nhiều năm, một số khác là công chức, quân nhân cao cấp thủ lợi nhờ chiến tranh, sang Mỹ có vốn đầu tư địa ốc hay làm thương mãi có đời sống an nhàn, sung túc, còn thì hầu hết những người tỵ nạn vượt biển đến Mỹ, hay theo chương trình nhân đạo sau một thời gian tù đày, đều phải làm lại cuộc đời bằng sự khó khăn, từ hai bàn tay trắng, cần cù, vất vả, đôi khi người ngoại cuộc khó có thể hình dung ra được.Người ta nói, muốn là được, muốn đi đến mục đích phải phấn đấu hết mình, nhưng phấn đấu đến cỡ nào, để ngày nay có được một đời sống ổn định, con cái học thành tài và một tương lai tốt đẹp?

Bây giờ ngồi trong một phòng khách sang trọng, đủ tiện nghi, với một bữa ăn thịnh soạn, nhấm nháp ly rượu trong một ngày lễ lớn, giữa đám con cháu thành công trong học vấn hoặc trên thương trường, chính những người trong cuộc cũng khó lòng tưởng tượng nổi những đoạn đường nhọc nhằn mà mình, những người Việt tị nạn đã trải qua.
Suốt mười năm ròng rã, vợ chồng ông em họ tôi đi theo diện tù nhân chính trị, định cư tại một tiểu bang miền Đông mỗi ngày thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, nhất là về mùa Đông phải cào tuyết tìm lối ra để đi làm. Những năm đầu khi chưa mua được xe, họ phải đổi hai tuyến đường xe bus, có khi ra trạm đã trễ giờ, phải chờ xe dưới trời tuyết lạnh, về đến nhà thì trời đã tối. Hồi ở Phila tôi cũng đã chia sẻ nỗi khổ cực của anh em H.O. đi làm hãng giấy, mỗi giờ chỉ có $4.00, giấy còn sắc hơn lưỡi dao cạo cứa nát mấy ngón tay. Buổi trưa, anh em bới theo lon cơm, (chỉ có khá hơn thời còn ở tù) ngồi núp sau mấy đống rác giấy lớn, vội vàng cho xong bữa. Sau nửa tháng, tôi bỏ cuộc, trở lại Cali, nhưng có người đã đeo đuổi công việc này hơn mười năm hay hơn thế nữa.
Ở chợ cá tại thủ đô Washington DC, có một cái nghề chịu lạnh là nghề đứng “bảo vệ an ninh” cho mấy hàng cá. Anh em H.O. mới sang, không tiếng Anh, không nghề chuyên môn thì đây là việc làm tốt, chỉ phải đứng dưới trời lạnh, có khi dưới 0 độ, với những cơn gió buốt như cắt vào da thịt. Nhìn anh em đội mũ trùm đầu, mặt mày đỏ ửng vì lạnh, đứng dưới trời tuyết, đếm giờ để có mấy đồng thù lao, thấy quá thương! Nhiều bạn bè theo đuổi nghề may, nghề này vất vả nhưng không kiếm được tiền nhiều, có đêm, đồ chưa giao kịp, đạp máy đến hai ba giờ khuya, ngủ gục trên bàn may. Tôi cũng biết nhiều gia đình chỉ làm nem chả, thức ăn Huế mà nên sự nghiệp. Nhưng trong khi vợ làm, ông chồng hết đi chợ, rồi còng lưng giã giò, lau lá đến một hai giờ khuya chưa được ngả lưng. Làm sao rủ được những người như ông bạn này ra đầu đường uống một ly cà phê!
Vợ chồng người bạn tôi làm nghề bỏ báo, buổi sáng tinh mơ, 4 giờ đã thức dậy đến tòa báo xếp báo rồi mang ra xe. Trong khi chồng lái thì vợ ngồi bên liệng báo. Không có đứa con nào chịu nỗi nghề giao báo, trong khi xe đang chạy, vì phải cúi xuống ngẩng đầu lên, xây xẩm mặt mày cho chúng buồn nôn, phải bỏ cuộc. Bảy giờ sáng, hai vợ chồng về nhà ăn sáng rồi chuẩn bị đi làm, vợ vào shop may, chồng vô hãng.
Các bạn đã vào hàng cá trong những ngôi chợ Việt ở Mỹ chưa? Bạn có thích công việc của người làm cá chịu máu me, tanh tưởi và tất bật suốt ngày không? Bỏ qua chuyện cực nhọc, nhiều người còn vì sỉ diện, thà làm một việc gì đó vất vả mà bạn bè, bà con không ai biết. Vậy mà có những người đã chịu khó, không những chỉ một hai năm mà công việc kéo dài hai mươi năm, để nuôi con ăn học, gầy dựng lại cuộc đời trên xứ lạ.
Có đôi vợ chồng đến Mỹ trong lúc con còn mới hai tuổi, không có tiền gửi con, họ phải xin việc cùng hãng, làm hai ca. Mỗi ngày họ “giao ban” ở bãi đậu xe, vợ ở nhà mang con tới, giao cho chồng vừa tan ca đem con về nhà. Hai mươi năm nay, đứa trẻ trong “car-seat” ngày xưa, sắp tốt nghiệp đại học. Vợ một người bạn có chữ nghĩa phải nhận chân “cashier” trong chợ Việt trong nhiều năm, để có thể “tranh thủ” bỏ giờ ăn trưa đi đón ba đứa con còn nhỏ ở trường về. Ngày nay, cả ba con đều đã tốt nghiệp đại học, một bác sĩ y khoa và hai kỹ sư, cũng chẳng là cái gì ghê gớm lắm, nhưng phải nói rõ như thế để biết nghĩa mẹ lai láng dường nào!
Ở Mỹ có nhiều nghề cho những người làm việc tay chân, nuôi sống một thời “chân ướt, chân ráo” cho những anh em đến Mỹ muộn màng theo diện “cựu tù”. Kansas nổi tiếng với nghề làm thịt bò, công nhân phải chịu lạnh ở mức 40 độ F suốt ngày để ra thịt. Ở Philadelphia có nghề hái trái cây, vừa lạnh vừa phải còng lưng. Ở Louisana có nghề hải sản như “bóc đầu tôm”, “đập càng ghẹ” vừa lạnh vừa tanh tưởi. Nghề bỏ báo, nghề lau nhà cửa, nghề bỏ bao ở chợ, nghề assembly... ở đâu cũng có, nhưng không phải dễ kiếm, có nghề đòi hỏi chút tiếng Anh, có nghề không nhận người lớn tuổi. Những ngày mới định cư, ai cũng lo lắng, nản chí, thấy khó khăn nhưng với lòng chịu đựng, sự hy sinh, bây giờ gia đình nào cũng ổn định, ai cũng có nhà cửa, no đủ, con cái được học hành.
Xa hơn những ngày cực nhọc đến đây là những ngày bị đày đi vùng “kinh tế mới”, không nước, không điện, mẹ con ôm nhau khóc. Xa hơn những ngày lạ lẫm đến đây là sóng gió, hãi hùng, khổ nhục trên biển cả, gia đình kẻ mất người còn. Xa hơn những ngày vất vả khi mới đến định cư nơi xứ lạ, là những ngày ra tù, có những người cha làm nghề đạp xe ôm, bán bánh mì, bong bóng, ngồi bên nồi xôi hay quầy bán thuốc lá lẻ. Xa hơn nữa, đó là thời gian cha tù đày, mẹ tần tảo buôn thúng bán bưng hay lăn lóc chợ trời, nuôi con, bới xách cho chồng.
Một bác sĩ sang Mỹ từ năm 1975 có vài người con tốt nghiệp bác sĩ, một luật sư sống ở Mỹ đã 37 năm, có con là luật sư thì đâu có gì là lạ để vinh danh, ca tụng nhau! Lạ chăng là từ gian khổ, nhọc nhằn cả một thế hệ cha ông chịu thiệt thòi, bỏ quên, khởi đi từ hai bàn tay trắng, bàn tay đã bươn chải gầy dựng lại cuộc đời cho mình và cho con cái ngày nay được ngẩng mặt nhìn đời!
Bây giờ là tháng mấy? Nào là ngày Lễ Mẹ, Lễ Cha, tiệc tùng sum họp.
Bây giờ là tháng mấy? Là ngày tốt nghiệp tưng bừng mũ áo, vòng hoa, chan hòa niềm hạnh phúc.
Mấy ai đã dừng chân ngoái đầu trở lại một lần.
Mấy ai đã đến gần bên mẹ nói với mẹ lời biết ơn hay ôm lấy bờ vai cha một lần!