Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

TRUNG QUỐC TRÊN ĐÀ XUỐNG DỐC

KINH DOANH Ở TRUNG QUỐC

ĐANG TRỞ NÊN QUÁ ĐẮT

Kinh doanh ở Trung Quốc đang trở nên quá đắt giá
Photo: EPA
Tiếng Nói Nước Nga 29.06.2012-Niềm vinh quang Trung Hoa như là vương quốc của những hàng hóa thông dụng mức giá vừa tầm và nhân công giá rẻ, đang dần lui vào dĩ vãng. Chi phí sinh hoạt ở hàng loạt đô thị lớn của Trung Quốc đang vượt cao hơn so với ở Hoa Kỳ. Kết luận chứa trong công trình nghiên cứu của Công ty tư vấn quốc tế Mercer cũng lưu ý rằng các hãng phương Tây ở Trung Quốc đang phải đối mặt với tốn phí ngày càng tăng trả cho việc thuê nhân viên.
Hiện diện chiếm chỗ trong danh sách do các chuyên viên Mercer lập ra gồm 100 thành phố đắt đỏ nhất thế giới theo dữ liệu năm 2011 đã không chỉ riêng Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, mà còn thêm 5 thành phố khác của Trung Quốc là Thanh Đảo, Thiên Tân, Thẩm Dương, Nam Kinh và Thành Đô.
Trong khi xếp hạng, xem xét tình hình ở 214 thành phố lớn trên cả 6 châu lục của thế giới, các nhà nghiên cứu của Mercer chú ý đến mức giá của hơn 200 chủng loại hàng hoá và dịch vụ. Trong "gói tiêu chí" này bao gồm chi phí thuê chỗ ở, đi lại di chuyển, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng và giải trí. Thêm nữa ở đây nói về mức giá trung bình mà những nhà quản lý làm việc ở nước ngoài có thể mong đợi. Mức giá so sánh dựa trên cơ sở chi phí hàng hóa và dịch vụ ở đô thị đắt đỏ nhất nước Mỹ là thành phố New York.
Những chuyên viên lập ra bảng đánh giá xếp hạng lưu ý rằng năm 2011, để duy trì lối sống của họ, những người nước ngoài ở Bắc Kinh hay Thượng Hải đã phải chi tốn hơn nhiều so với lúc ở quê nhà. Giá sinh hoạt đã tăng đáng kể do sự leo thang không ngừng về giá nhà đất và lạm phát trong các chủng loại lương thực-thực phẩm cũng như hàng tiêu dùng.
Kết quả nghiên cứu của Mercer phản ánh mức tốn phí ngày càng tăng trong việc kinh doanh ở Trung Quốc. Hiện nay đối với các tập đoàn đa quốc gia, Trung Quốc đã không còn có vẻ hấp dẫn như xưa nữa, - chuyên viên Andrei Karneev Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu các nước Á-Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva nhận xét.
“Hiện giờ đang có rất nhiều ý kiến thảo luận theo nội dung, liệu Trung Quốc có còn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài nữa hay không. Trước hết là cho các tập đoàn đa quốc gia đảm bảo cung cấp sản xuất hàng công nghệ cao. Đó là lý do tại sao khiến nghiên cứu của Mercer có giá trị ý nghĩa nhất định. Trong Chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành bàn bạc về việc đưa trở về Mỹ một bộ phận doanh nghiệp mà trước đây đã chuyển đến các nước khác, mà chủ yếu là ở Trung Quốc. Ở Hoa Kỳ bộc lộ mối quan tâm ngày càng lớn về sự trì trệ công nghiệp trong nền kinh tế Mỹ song hành với tăng cao các khoản nợ của Hoa Kỳ”.
Nghiên cứu của các chuyên viên Mercer là thêm một bằng chứng nữa về bất lợi gia tăng của người nước ngoài nếu đến Trung Quốc làm việc. Tương ứng với các tư liệu nghiên cứu của Viện Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, tỷ lệ tăng nhảy vọt về chi phí thuê nhân viên đã ảnh hưởng đến công việc của 80% các công ty có vốn đầu tư Mỹ. Kể từ tháng 11 năm ngoái, tổng khối lượng đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Trung Quốc đã giảm xuống một cách liên tục. Như ý kiến của các chuyên gia phương Tây, “thủ phạm” gây ra tình trạng này không chỉ là khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà còn do thực trạng kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc, đang làm cho môi trường kinh doanh ở quốc gia này ngày càng trở nên thiếu thân thiện với người nước ngoài.
Trên thực tế, chẳng xảy ra điều gì khủng khiếp, - các nhà kinh tế gạo cội của Trung Quốc đáp trả. Chỉ đơn giản là Trung Quốc đang thay đổi mô hình phát triển, định hướng nền kinh tế của mình không chỉ cho xuất khẩu, mà còn tập trung đáp ứng nhu cầu nội địa. Thêm nữa, tích lũy khổng lồ về dự trữ vàng-ngoại tệ đang khiến cho thu hút đầu tư nước ngoài không còn là nhiệm vụ bức thiết tối thượng nữa rồi. Đất nước này, thời nào chưa xa hết sức tích cực hô hào mời gọi các công ty từ khắp thế giới mang vốn đến đây hoạt động, nay chính nó cũng thành một nhà đầu tư tầm cỡ toàn cầu.
Nhưng có việc khác là, đà gia tăng chi phí sinh hoạt đã giáng đòn không chỉ vào các doanh nghiệp phương Tây, mà còn tác động mạnh đến đời sống của đông đảo những người dân bình thường ở Trung Quốc. Mà đó là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến ổn định xã hội.