Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

TUỔI GIÀ, ĐẤT KHÁCH,GẶP BẠN CŨ

Fr: Bao Tram*Gia Cat
Khi tuổi già nói về Bạn 
                                Nguyễn thị Cỏ May
 Khi lớn tuổi, người ta ai cũng vậy, thường thích nhắc lại chuyện xưa, tìm gặp lại bạn cũ thời thanh thiếu niên như để sống lại thời tuổi trẻ của chính mình.
Nhắc lại kỷ niệm, gặp lại bạn cũ, không có chuyện chánh trị Việt Nam, chuyện chống cộng hay chuyện cộng sản/quốc gia gì chen vào.

Những người xưa, nay gặp lại nhau, chỉ kịp tay bắt mặt mừng và dành hết thì giờ để hỏi han, nói chuyện tâm tình với nhau… là trên hết.
Đẹp lắm!
Nhưng khi đề cập tới chuyện đất nước ngày nay thì chắc chắn sẽ không khỏi xảy ra tranh cãi, xung đột, làm mất hết tình bạn ngay tức khắc. Đó là vấn đề Việt Nam. Rất Việt Nam! Do hoàn cảnh lịch sử Việt Nam tạo ra.

  Vậy khi gặp bạn cũ khác chánh kiến, ta nên xử sự như thế nào cho phải phép? Có nên gặp lại bạn cũ khác chánh kiến với mình không? Vấn đề quá phức tạp. Nhường cho tiếng nói con tim hay khối óc?
Cỏ May xin trích lại một đoạn bút ký của Ls Đoàn Thanh Liêm, qua Mỹ theo diện HO sau thời gian dài học tập cải tạo vì ông là người của chế độ Sài Gòn trước 30/04/75. Loạt bút ký Âu du của ông được phổ biến rộng rãi trên mạng.
Lập trường chánh trị của Ls Đoàn Thanh Liêm, theo Cỏ May nghĩ, dứt khoát là không cộng sản. Bởi ông đã chấp nhận đi Huê Kỳ tỵ nạn công sản thay vì ở lại Việt Nam. Ở Huê Kỳ, ông từng tham gia những hoạt động tranh đấu cho Việt Nam sớm thay đổi theo dân chủ tự do. Tức muốn nói ông “chống cộng”.
Việt kiều yêu nước…
Những người bạn của ông được ông nhắc lại trong bút ký đều là những người thân cộng, Việt kiều yêu nước, cộng sản Đệ III, cộng sản Hà Nội từng hoạt động như tình báo trong Phái đoàn Hòa đàm Paris (phía Hà Nội), cán bộ thông tin tuyên truyền của Hà Nội trong gần đây,...
Có người chỉ làm khoa học, rời Việt Nam qua Pháp du học, có xu hướng thiên Hà Nội trong thời chiến tranh. Có người đi từ Sài Gòn sau 60, qua Pháp học bằng học bổng của Chánh phủ Sài Gòn, theo Hà Nội chống lại Chánh phủ Sài Gòn vì cho đó là Chánh phủ Mỹ Ngụy. Họ tranh đấu ngay lúc còn sinh viên. Tới 68, khi Liên-Xô cho xe tăng càn quét biểu tình ở Tiệp-Khắc, có một số lớn, cả Tây, lắc đầu và ngao ngán, rời bỏ “chánh nghĩa giải phóng” thì có vài người trong những người bạn của Ls Đoàn Thanh Liêm cương quyết giữ lập trường vô sản chuyên chính, theo Hà Nội cho tới ngày nay.
Mời bạn đọc đoạn văn dưới đây trích từ bút ký của Ls Đoàn Thanh Liêm để chia sẻ với Cỏ May tình bạn ở tuổi già là vô cùng quý báu và trên hết:
“… Trong suốt hai tuần qua, tôi đã gặp lại được một số bạn bè thân thiết, đặc biệt là các bạn cùng học chung với nhau tại trường Chu Văn An ở Hanoi từ 60 năm trước. Người bạn thân là anh Phạm Xuân Yêm từ lâu đã cho tôi biết là lúc này về hưu rồi, thì bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi để sắp xếp nơi ăn chốn ở cho tôi tại Paris. Nhưng vào giờ chót anh chị Yêm phải đi vắng đến 18 tháng Năm mới về, nên đã phải nhờ đến một người bạn khác lo lắng cho tôi trong vài ngày trước khi Yêm có mặt tại nhà.
Vì thế mà người đón tôi tại phi trường Charles de Gaulle và chở tôi về nhà tại khu Maisons Alfort Juilliottes là anh Nguyễn Ngọc Giao. Anh Giao là thứ nam của Thầy Nguyễn Ngọc Cư, vị giáo sư đã dạy chúng tôi về môn Pháp văn và Triết học trong hai năm cuối bậc Trung học ở Hanoi. Bà xã của Giao là chị Phạm Tư Thanh Thiện gốc từ làng Hành Thiện Nam Định, thì lại là bà cô của cháu Phạm Tư Việt con rể của tôi, thành ra giữa anh chị Giao Thiện và tôi lại còn có thêm tình sui gia với nhau nữa. Anh chị Giao Thiện là những người rất tháo vát, lại sinh sống trên đất Pháp đã trên 50 năm nay, nên quen biết giao thiệp rất rộng rãi với nhiều người tại khắp nơi trên thế giới, điển hình như với chị Sophie Quinn-Judge mà tôi vừa mới gặp lại ở Philadelphia hồi mới đây.
Anh Giao dạy môn Tóan tại Sorbonne và đã nghỉ hưu từ mấy năm nay. Còn chị Thiện thì đã từng làm việc cho đài phát thanh RFI của Pháp dưới cái tên Thanh Thủy mà dù nay cũng đã nghỉ hưu – thì vẫn còn được nhiều bà con thính giả người Việt nhắc đến.
Trong vòng có hai ngày mà Giao đã chở tôi đi thăm viếng nhiều nơi ở khu Quartier Latin, khu Quận 13 và giới thiệu tôi gặp gỡ được với nhiều người trong buổi tiếp tân nhân dịp tái khai trương của Quán ăn “Foyer Mon Vietnam”(*) do ông bà Võ Văn Thận phụ trách. Cụ thể trong dịp này, tôi đã gặp anh chị Nguyễn Phong Châu cũng là người gốc làng Hành Thiện, chị Tố Nga con của bác Tạ Bá Tòng, anh Hà Dương Tường em của Hà Dương Dực bạn tôi ở bên California...”

Một hiện tượng trong Tổng Hội Sinh viên Paris

Tổng Hội Sinh viên Paris do sinh viên đi từ Sài Gòn bằng học bổng Chánh phủ Sài Gòn hay tự túc qua Pháp du học thành lập năm 1964. Trước đó, quan hệ ngoại giao giữa Sài Gòn và Paris không thuận thảo cho lắm và Chánh phủ cũng hạn chế cho sinh viên qua Pháp. Về phía Hà Nội không cho sinh viên qua Tây phương du học nhiều vì tốn kém và nhứt là vì quan điểm chánh trị. Nhưng họ lại cho cán bộ len lỏi tổ chức cơ sở tại địa phương bằng chính những người đi từ phía đối phương.
Từ 1964, phía Hà Nội có Văn phòng Đại diện ở Paris và có Liên Hiệp Việt kiều, rồi Việt kiều yêu nước, sau cùng Hội Người Việt Nam tại Pháp. Sinh viên, các nghành nghề,... đều thuộc các hội này quản lý nhằm hoạt động phục vụ cho Hà Nội xâm chiếm Miền Nam.
Sinh viên Trần Văn Bá, Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Paris, vì quá nóng lòng giải phóng quê hương đã kín đáo về Việt Nam làm kháng chiến, bị hi sanh vào đầu năm 1985 tại Việt Nam. Các bạn của anh, tuy ngày nay đều lớn tuổi, đều thương tiếc anh. Và hằng năm, anh chị em sinh viên của nhiều thế hệ không quên tổ chức lễ tưởng niệm anh như một vị anh hùng dân tộc. Tấm gương ái quốc của anh hãy còn sáng chói cho mọi người. Lễ tưởng niệm anh và những hoạt động tranh đấu khác của sinh viên, định kỳ hay bất thường, đều xuất phát dưới lá cờ quốc gia Việt Nam.
Nhưng giờ đây, Tổng Hội Sinh viên với Ban Chấp hành mới, chủ trương dẹp cờ. Anh Chủ tịch nhiệm kỳ trước xác nhận đó là chuyện thật đang xảy ra và Anh cho biết “anh em đang giàn xếp với nhau trong nội bộ”. Kết quả sẽ cho phổ biến trong một ngày gần đây.
Trong lúc đó, Ông Lê Văn Trí, một sinh viên của thời những năm 60, lấy làm đau lòng trước sự việc Cờ Quốc gia bị Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên ngày nay phủ nhận. Chẳng đặng đừng, Ông Lê Văn Trí yêu cầu phổ biến bức thư của ông trả lời cho Bà Hoàng Mai và Ông Khải về vấn đề trên. Thư viết bằng tiếng Pháp với lý do của tác giả. Cỏ May trích vài đoạn để bạn đọc theo dõi diễn tiến sự việc. Ông Lê Văn Trí bắt đầu bằng đề cập thẳng tới hai người lãnh đạo Tổng Hội Sinh viên hiện nay và vấn đề phủ nhận Cờ Quốc gia có nguyên nhân cũng từ nhơn sự này. Ông viết:

“Theo tôi hiểu, Nguyễn Lương Hiền biết hoàn toàn những hoạt động của cha của anh ấy (Ông Nguyễn Gia Kiểng). Tổ chức “Dân chủ Đa nguyên” đã có một hay hai lần trình bày trước Ban Chấp hành Tổng Hội quan điểm của mình về chánh trị Việt Nam, về cộng đồng người Việt, về lá Cờ Quốc gia (dĩ nhiên những người Dân chủ Đa nguyên chống đối sự có mặt của lá cở vàng 3 sọc đỏ), về “hòa giải, hòa hợp dân tộc”,...
Phải thật thà mà nói những buổi nói chuyện này đã hấp dẫn được thính giả thanh niên của Tổng Hội vì đó không phải là những cuộc nói chuyện có tranh luận...
Với Đặng Quốc Nam, tôi không thấy rõ anh ấy nghĩ gì về lá cờ vàng 3 sọc đỏ.
Trong thư (email) của tôi ngày 16 tháng 5 rồi, tôi đã nêu lên một vấn đề đối với tôi rất là “nghiêm trọng” cho tương lai của Tổng Hội. Đó là vấn đề tiếp tục những hoạt động của Tổng Hội.
Tổng Hội nên tiếp tục là một “Think Tank” của những tư tưởng chánh trị khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn nhau nhưng luôn luôn xây dựng?
Hay Tổng Hội nên trở thành một hội bình thường theo Luật năm 1901 theo đó mọi người sẽ
vui vẻ chơi chút ít thể thao và thêm vài hoạt động văn hóa?
Hay Tổng Hội nên biến thành một tập hợp hoạt động từ thiện giúp những người nghèo ở Việt Nam (như nhiều thanh niên đề nghị)?
Nói cách khác, Tổng Hội nên mở ra cho mọi người, kể cả những người phản lại dân chủ... cho đến chẳng may đánh mất luôn linh hồn của mình nữa à?
Hiện nay, mỗi đề nghị trên đây đều có người binh, kẻ chống. Tuy nhiên, đối với tôi là người đã từng biết Tổng Hội ngay lúc thành lập năm 1964 và cho tới năm 2012 vẫn còn lui tới thì thật đáng tiếc thấy Tổng Hội có thể không còn giữ được như trước đây khi mọi việc đều thay đổi...
Tổng Hội Sinh viên Paris sẽ được 50 tuổi trong ít lâu nữa. Đó là một tổ chức phi chánh phủ và phi tôn giáo, thuần túy Việt Nam còn tồn tại trên thế giới cho tới ngày nay, cả ở Việt Nam nữa, dưới hình thức từ lúc ban đầu.
Tổng Hội không phải là một chánh đảng vì không có quy chế chánh đảng và cũng không có thiên chức chánh trị. Nhưng không vì vậy mà đã không đào tạo cho Việt Nam những nhà chánh trị từng phục vụ Chánh quyền Miền Nam trước đây.
Điều lệ năm 1964 của Tổng Hội quy định chỉ những sinh viên mang Thông hành Việt Nam mới có quyền gia nhập Tổng Hội. Mà Thông hành, tức Thông hành do Chánh phủ Sài Gòn cấp.
Dù muốn hay không, điều khoản đó cũng ràng buộc Tổng Hội với Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa, hiểu ngầm Tổng Hội là một bộ phận hải ngoại của Quốc gia với Cờ vàng là quốc kỳ. Điều lệ không quy định rõ là phải treo cờ trong những trường hợp nào, nhưng cứ tới Tết, Tổng hội đứng ra tổ chức Tết là có treo cờ và chào cờ vàng 3 sọc đỏ trước hằng ngàn khán giả, từ năm 1965 cho tới ngày nay
...(Le Van Tri - Email: ltri@aplus-sa.com ou van-tri.le@laposte.net)
Ai cũng biết thù hận, chống đối, đánh nhau,... rồi đây cũng mất, cũng tiêu tan như mây khói. Chỉ có tình cảm giữa con người là tồn tại và được trân quý. Nhưng đối với người cộng sản, họ chỉ có mục tiêu mà thôi. Tình cảm, về phía họ, là họ khoan hồng, họ mở rộng vòng tay cho ta về với họ khi họ thấy ta biết quên quá khứ để nhìn nhận họ, những người cộng sản, là luôn luôn có lý, có lẽ phải, có chánh nghĩa.
Cho tới ngày nay, Hà Nội chỉ nói hòa hợp chớ chưa bao giờ nói hòa giải. Mà hòa hợp, ai cũng hiểu, là về dưới trướng của đảng cộng sản.
Ông Nguyễn Minh Cần, một cựu đảng viên lâu năm ly khai, hiện sanh sống ở Mạc-tư-khoa, (trong bức thư gởi hmdc, 2008) phê phán về trường hợp những người chủ trương phủ nhận cái đang có của mình để dọn mình chực sẵn bắt tay với cộng sản, chỉ là những người sẽ làm tay sai cho cộng sản mà thôi.
Nguyễn thị Cỏ May