Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

KẺ CUỒNG TRÍ Ở QUANH TA

Chu Nguyễn
Saigonbao-on line 14/5/2012- Sống với người khác không phải việc dễ dàng và hoàn toàn bình yên vô sự, vì chung quanh chúng ta thiếu gì kẻ cuồng trí, như triết gia Hobbes từng nhận xét “người là chó sói đối với người” (homo homini lupus).
without conscienceKẻ cuồng trí không phải là kẻ có triệu chứng điên dại rõ ràng để ta lảng tránh, họ chưa hẳn là kẻ bạo hành mà ta sợ hãi, mà có thể là những nhân vật thành công trong xã hội, là kẻ chỉ huy ta,đồng nghiệp và cả người  thân của ta.  Họ là kẻ nguy hiểm có nhiều khuôn mặt, nhưng có chung nụ cười,và bên trong có chung sự tính toán tìm cơ hội lợi dụng ta, hành hạ ta, lừa đảo ta.


    Sau đây là phần lược dịch bài Psychopaths Among Us (Kẻ cuồng trí ở quanh ta) của ký giả George Binks đăng trên tờ Reader's Digest số cuối năm 2011, hy vọng giúp độc giả thấy rõ người đời muôn mặt.
Trước hết thử tìm hiểu xem “psychopath” phải dịch ra sao. Theo Tự điển y học của bác sĩ Phạm Ngọc Trí thì từ này chỉ “người bệnh nhân cách”, còn psychopathic là “rối loạn nhân cách” (personality disorder). Còn tự điển y học của Trung hoa thì dịch là “người bệnh tinh thần”.
Thực sự, psychopath là một chứng trạng tâm lý nặng nhẹ khác nhau và khá phổ biến. Các chuyên gia tâm lý ước chừng có 1% người Mỹ bị xếp vào loại psychopath. Vì muốn tránh từ “bệnh” nghe nặng nề quá nên chúng tôi tạm dịch psychopath là kẻ cuồng trí. Hơn nữa cũng vì psychopath là kẻ khôn ngoan (trí) nhưng ngông cuồng tự đại, điên cuồng trong việc đạt mục đích thống trị và lợi dụng người khác và cuồng loạn trong thái độ chống báng xã hội.
Chân dung một người cuồng trí
Colleen Smith một nạn nhân của vị giám đốc X. Về thay người quản lý cũ, vị giám đốc này có bề ngoài vui tươi, niềm nở với mọi người, khôn khéo trong xã giao và tỏ ra là kẻ có khả năng hơn người. Ngay lập tức, ông ta áp dụng cải cách mà ông ta tự hào là mẫu mực và sáng tạo. Ông ta bắt đầu tách biệt dàn nhân sự và ra lệnh các nhóm trong công ty không được email cho nhau. Rồi không hiểu sao ông ta lại nhắm vào Smith để hành hạ. Nào là chỉ trích, nào là phê bình bất cứ việc gì, ý kiến gì mà cô góp cho việc vận hành công ty và tới lúc cô uất lên gục đầu trên bàn mà khóc cũng chưa thôi. Smith nhận xét: “Ông ta là người duy nhất mà tôi gặp trong đời không hề động lòng trước nước mắt của phụ nữ. Ông ta nhìn tôi như nhìn khoảng trống không”.
Hơn nữa, khi Smith càng tỏ ra xúc động khi bị rầy la thì ông ta càng nặng lời. Trước kia, Colleen Smith là người ham công việc và năng nổ trong công ty thì từ lúc khắc tinh xuất hiện, cô cảm thấy chẳng có hứng thú với công việc và mất hẳn niềm tự tin và phải bỏ việc.
Collen Smith tin rằng người chủ cũ của cô mắc chứng cuồng trí và bản thân cô, sau khi thôi việc, phải tìm chuyên viên trị liệu. Căng thẳng tuy có bớt nhưng ám ảnh vẫn còn và sau đó Smith rút ra kinh nghiệm: “Tôi được biết chẳng có cách nào ta có thể dùng để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của kẻ cuồng trí . Ngoài việc kính nhi viễn chi”.
Tâm lý gia Robert Hare nghe kể lại mẩu chuyện trên không hề ngạc nhiên vì nay ở tuổi 70, là giáo sư danh dự của Đại học British Columbia và đã dành mấy chục năm trời nghiên cứu loại hành vi của kẻ cuồng trí nên ông đã biết ông giám đốc X chính là kẻ cuồng trí điển hình.
Năm 1993, Hare đã cho xuất bản một cuốn sách nổi tiếng, Without Conscience: The Disturbing World of the Psychopaths Among Us (Thế giới xáo trộn với kẻ cuồng trí quanh ta).
Trong tác phẩm này, Hare đã gián tiếp cho chúng ta khái niệm về kẻ cuồng loạn: đó là những kẻ máu lạnh, hoang tưởng tự đại (megalomaniacs) vô lương tâm coi người khác như công cụ tùy tiện sử dụng hay loại bỏ.
Ngay từ thập niên 1980, Hare đã nghĩ ra một thứ trắc nghiệm, sau này trở thành khuôn thước để định xu hướng cuồng trí (psychopathic propensity). Tiêu chuẩn để đo mức cuồng trí gồm 20 tính cách căn bản, trong đó có những điểm như bề ngoài “thơn thớt nói cười”, ngông cuồng tự cao, dối trá, mánh mung lợi dụng, táng tận lương tâm... Với các tiêu chuẩn trên, kẻ bình thường chỉ có thể ở mức chưa tới 5, còn kẻ tâm thần bệnh ở mức 20, và như Hannibal Lecter (nhân vật sát nhân và ăn thịt người trong phim ảnh do Anthony Hopkins đóng) thì lên tới 30.
Thước đo bệnh tâm lý này của Hare được gọi là PCL-R (Psychopathy Checklist Revised) và phải do các chuyên viên tâm lý sau các cuộc trắc nghiệm tỉ mỉ và nghiên cứu tinh vi về một cá nhân mới đoán định kết quả chính xác.
Nghiên cứu của Hare đã đưa ra một kết luận mới đánh đổ thành kiến vốn có về những kẻ sát nhân hàng chuỗi (serial killers). Hare cho rằng: “Kẻ cuồng trí thường được phim ảnh xếp vào hạng giết người hàng chuỗi, nhưng trong thực tế đa số họ không phạm tội sát nhân”. Hare chỉ cho chúng ta thấy một sự thực khá đe dọa: “Họ, kẻ cuồng trí, bề ngoài có thể sống cuộc đời bình thường. Mặc dầu là kẻ cuồng trí, họ có thể thành công trong xã hội, nhưng thường là nhờ lừa lọc, lợi dụng kẻ khác mà có được, chứ không hẳn là do hành vi tội phạm tạo nên”.
Hare tin rằng chúng ta có thể mỗi ngày gặp một kẻ cuồng trí và ông ước lượng ở Bắc Mỹ có tới 2 triệu kẻ cuồng trí và riêng Canada có tới 300.000 người hay cứ 100 công dân xứ lá phong thì có một người thuộc loại cuồng trí.
Đặc biệt hạng người này bị lôi cuốn bởi quyền lực, nên một số đã dùng đủ thủ đoạn để lên tới cấp chỉ huy trong hàng ngũ quân sự, an ninh, chính trị và y tế. Đặc biệt trong lãnh vực kỹ nghệ và thương mại loại người này không hiếm.
Một tâm lý gia ở New York, Paul Babiak, trong một nghiên cứu đã cho rằng cứ một trong 25 các nhà lãnh đạo thương mại có một người có thể là kẻ cuồng trí. Babiak cho rằng những đối tượng này đã giấu bản chất “loạn trí” sau cái vỏ cao sang của mình, và luôn dùng lời ngon ngọt, vẻ tươi cười và mánh khóe để lợi dụng người khác. Babiak còn chỉ rõ, kẻ cuồng trí có thể nhờ yếu tố thuận lợi của môi trường như có một thời thơ ấu êm đẹp, hoàn cảnh gia đình sung túc, êm ấm nên thăng tiến trong sự nghiệp và không bộc lộ bản chất thực sự.
Tuy nhiên, bản chất của kẻ cuồng trí vẫn tiềm ẩn ở trong loại người này và “kẻ cuồng trí không hẳn là hạng người mà bạn vốn có thành kiến. Trong thực tế bạn có thể sống chung hay lập gia đình với một người trong 20 năm mà không hề biết đối tượng là kẻ cuồng trí. Ngoài ra, ngay chính bạn là một kẻ cuồng trí mà tự mình không biết”.
Một điều không thể không chú ý: Kẻ cuồng trí không nhất thiết phải có khả năng quản trị, điều hành và đức độ cao mới leo lên vai trò lãnh đạo và có thể trở thành một lãnh tụ “thần kỳ” (charismatic leader). Sự thực, hắn thường nhờ khai thác bề ngoài khéo ăn khéo nói, ngọt ngào vâng dạ với cấp trên và mê hoặc cấp dưới mà chiến thắng trên “xương máu” người khác mà thôi.
Hare tin rằng việc giúp đỡ mọi người nhận diện kẻ cuồng trí là điều cần để chúng ta tránh trở thành nạn nhân bị lợi dụng. Ông tuyên bố: “Kẻ cuồng trí đã gây ra nhiều tai hại cho xã hội, từ tài chính rối loạn đến hôn nhân tan vỡ, trẻ thơ bị ngược đãi. Gần như ai nấy đều bị tai hại vì hành vi của kẻ cuồng trí gây ra”.
Những kẻ thuộc loại cuồng trí bình thường là những tay bắt chước rất khéo. Họ thấu hiểu cảm xúc của người khác và bắt chước diễn tả những cảm xúc này nhưng trong thâm tâm họ không mảy may cảm động. Họ đã giấu giếm chân tướng trong khi gây tai hại cho chung quanh và thu lợi cá nhân. Hare nhận xét: “Kẻ cuồng trí gần như không hề quan tâm tới hậu quả hành vi tai hại họ gây ra cho người khác”. Ông cho rằng kẻ cuồng trí có thể thấy thích thú khi bỏ bê gia đình hay lừa dối bạn đời: “Họ không cảm thấy có kẻ sẽ chịu thiệt thòi hay đau đớn vì họ”.
Khó mà nhận biết một kẻ cuồng trí bên cạnh những người bình thường. Đừng tưởng những kẻ bạo hành tới mức giết người mới là kẻ cuồng trí. Giáo sư tâm lý Stephen Porter, cộng tác viên của Hare, cho rằng hành vi tội phạm có thể do một cảm xúc quá độ không khống chế được gây ra: “Hành vi bạo hành do dùng ma túy hay do cơn giận quá mức gây ra không hẳn là hành vi cuồng trí”. Như trường hợp một ông hồng ghen tuông giết vợ không hẳn là kẻ cuồng trí. Nhưng một người bề ngoài ăn nói ngọt ngào mà bên trong nham hiểm giết người không dao mới là kẻ cuồng trí.
Cũng vì thế đa số kẻ cuồng trí bề ngoài rất bình thường và phải sau một thời gian nếm thủ đoạn của hắn, bạn mới khám phá ra chân tướng và lúc đó đã quá muộn. Porter khẳng định thêm: “Họ là những người bạn thích trò chuyện. Nhưng ít lâu sau bạn khám phá ra sau chiếc mặt nạ, ở tận đáy tính cách con người này có phần đen tối”.
Người ta đặt câu hỏi. Vì sao một người trở thành kẻ cuồng trí. Do ấu thơ bất hạnh? Do di truyền? Hare tin rằng do cả hai yếu tố trên tích lũy và kết hợp mà thành. Sau này nó chỉ chờ có cơ hội là phát tác.
Yếu tố di truyền rất quan trọng. Sau khi dùng phương pháp MRI để rọi soi não bộ của tù nhân, các nhà tâm lý tìm thấy phần tiểu não có vai trò cảm xúc, danh từ chuyên môn gọi là amygdala -biến đào thể- thì ở những kẻ cuồng trí nhỏ hơn so với bộ phận này ở người bình thường Porter khẳng định: “Nếu ta nhìn hình ảnh não bộ kẻ cuồng trí hoạt động thì chúng ta thấy ở khu vực não bộ này hoạt động ít hơn so với não bộ người bình thường”.
Tuy nhiên, như đã nói, có một số trường hợp, một kẻ sinh ra đã chịu ảnh hưởng yếu tố di truyền cuồng trí, nhưng gặp hoàn cảnh tốt như gia cảnh, giáo dục tốt thì có thể vươn lên cao trong sự nghiệp bằng khả năng chân thực của mình chứ không bằng biện pháp bá đạo.
Một điều khác cần nhớ, ở kẻ cuồng trí có một đặc điểm mà nhà tâm lý Porter khuyên chúng ta cần lưu ý: những kẻ cuồng trí không hề cho rằng chính họ là kẻ cuồng trí mà cho rằng thiên hạ quanh họ mới là những đối tượng có đầu óc bất thường rình rập họ, nên họ cần coi chừng tất cả để bảo vệ mình.
Mối đe dọa tác hại cho xã hội bởi những kẻ cuồng trí khá lớn, đã khiến cho nhiều nhà xã hội và chuyên gia tâm lý lập ra hiệp hội giúp đỡ mọi người nhận diện kẻ cuồng trí và thoát khỏi nanh vuốt của hạng người này. Đó là hiệp hội Aftermath: Surviving Psychopathy Foundation (gọi tắt là hội Aftermath).
Hiệp hội Aftermath nhận ra nạn nhân của kẻ cuồng trí đa số là những kẻ cô đơn, yếu đuối cần giúp đỡ. David Kosson, một thành lập viên của Aftermath, cho rằng có tới 50% những người tìm tới hội là phụ nữ. Họ có thể là những bà vợ bị chồng hay bạn trai ngược đãi. Nhiều trường hợp nạn nhân vì yêu rồi bị tình phụ, lợi dụng và bóc lột. Những người ngày thường âm thầm chịu đựng thống khổ lâu dài hơn những kẻ chỉ bị kẻ cuồng trí hành hung hay bóc lột tiền bạc...
Hare dặn dò chúng ta: nếu chúng ta gặp một kẻ cuồng trí trong đời thì nên nhớ về căn bản họ không giống chúng ta. Những kẻ cuồng trí thường rắp tâm bóc lột và hối nhục người khác. Họ không thể không làm việc này và nên nhớ đừng hy vọng thuyết lý với họ, khuyên can họ, đấu tranh với họ vì kẻ loạn trí luôn luôn có nhu cầu phải chiến thắng nên có thể dùng mọi cách để đạt mục đích.
Hare cũng cho rằng các phương cách trị liệu thông thường khó lòng mà trị được chứng cuồng trí nên việc ta đề phòng kẻ rình rập mưu hại ta là cần thiết bằng cách thận trọng trong giao tế, chớ bị bề ngoài hấp dẫn mà trao niềm tin, tỉnh táo trong xét đoán hành vi, mở rộng cuộc tìm hiểu đối tượng, cần thời gian để quan sát và thử thách... và khi cảm thấy có nguy cơ trước kẻ săn mồi thì nên cao chạy xa bay./.